BHXH phải thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động
Sáng 19-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra hội thảo chuyên đề 2 có chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới".
Gia tăng chính sách về lao động, xã hội
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, chuyên gia về việc làm thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Felix Weidencaff cho biết, xu hướng giảm tỷ lệ tăng năng suất trong dài hạn đang diễn ra trên toàn cầu ở hầu khắp các khu vực trên thế giới đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách. Bên cạnh đó là thay đổi môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu; cụ thể là áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị, giá lương thực/năng lượng, cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các nguồn lực đầu tư cần thiết; hạn chế về tài nguyên...
Đánh giá Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong một thập kỷ qua, tuy nhiên, ông Felix Weidencaff cho biết, so với các nước ASEAN hiện nay vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, ông Felix Weidencaff cho rằng, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra…
Theo ông Felix Weidencaff, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Tham luận về “Tín dụng chính sách xã hội: Góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công tín dụng chính sách xã hội; đã khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần xây dựng tín dụng chính sách xã hội ngày càng sâu rộng và bền vững hơn.
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội”. Kết quả này đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là đông đảo quần chúng ghi nhận, đánh giá cao.
Bảo đảm an sinh xã hội lâu dài khi sửa Luật
Thảo luận bàn tròn tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người, thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%).
“Nguyên nhân là người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…”, ông Hồi nói.
Chia sẻ về chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
“Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động”, ông Phong nói, đồng thời nhấn mạnh, phải bảo đảm chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tín dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt ra cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.
Chia sẻ về những điểm mới trong nội dung quy định về nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự án Luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt, như vậy có thể dành quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án độc lập cho nhà ở xã hội. Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ tiêu chí về cư trú…
Với góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, thành phố Hà Nội đề xuất được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó, ông Mạc Đình Minh đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% (trước đây quy định là 10%).