Kinh tế

Doanh nghiệp cần được tháo gỡ về thị trường, tín dụng để vượt khó

Mai Hữu 19/09/2023 - 12:07

Sáng 19-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra hội thảo chuyên đề 1: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.

trandinhthien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày tham luận.

Hiến kế “thông mạch, thông các nguồn lực”

Trình bày tham luận với chủ đề "Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển", PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực dẫn tới cơ thể kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn.

Từ đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, cần bảo đảm hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc - nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

dauanhtuan.jpg
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn tham luận tại hội thảo.

Tham luận “Tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam”, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đề cập một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là các vấn đề: Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

hoithao.jpg
Thảo luận bàn tròn tại hội thảo chuyên đề 1.

Tháo gỡ “nút thắt” thị trường tín dụng, trái phiếu

Thảo luận bàn tròn tại hội thảo chuyên đề 1, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tuy nhiên quan trọng nhất là việc gỡ các “nút thắt” cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ “nút thắt” thị trường tín dụng, trái phiếu… Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI. Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ…

“Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa”, ông Phạm Tấn Công nói.

Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã thực hiện các biện pháp cụ thể như thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường thế giới tham mưu Chính phủ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh trong ưu đãi các Hiệp định thương mại, mời các doanh nghiệp lớn trên thế giới nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa. Đối với các thị trường khác như Trung Quốc, châu Phi, Bộ Công Thương cũng có kế hoạch xúc tiến thương mại vào các thị trường này.

jochenschmittmann.jpg
Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jochen Schmittmann.

Về tác động của tình hình khó khăn trên thế giới đến Việt Nam, đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jochen Schmittmann nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có thị trường lao động. “Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, ông Jochen Schmittmann nói.

Thông tin về định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng từ nay cho tới cuối năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. "Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy", ông Đào Minh Tú khẳng định.