Phát huy nội lực, khai thác ngoại lực để thích ứng và phát triển
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tăng cường, phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực để thích ứng và phát triển. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt, đặc biệt trong bối cảnh tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.
Sáng 19-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc diễn đàn.
Tham gia chủ tọa và điều hành phiên khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước.
Tập trung giải quyết các thách thức
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài.
“Chúng ta cần tăng cường, phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt, đặc biệt trong bối cảnh tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn: Dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo? Thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào, dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025? Năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực. Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trải qua gần ba năm cầm cự, chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt, lại thêm những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp này vào cuộc sống.
Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài. Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra là nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.
Đồng thời, cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương, quyết tâm đổi mới và xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng sống, đáng đầu tư, có sức hấp dẫn cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, một lần nữa, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tham gia Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế-xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngay sau khai mạc, trong phiên làm việc buổi sáng, diễn đàn bước vào hai phiên hội thảo chuyên đề về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.