Italia thông qua các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp
Theo France24, trong bối cảnh phải vật lộn với làn sóng người di cư ngày càng tăng, ngày 18-9, chính phủ Italia đã thông qua các biện pháp kéo dài thời gian lưu giữ người di cư và những người không có quyền ở lại hợp pháp sẽ phải hồi hương.
Động thái này được đưa ra sau khi gần 10.000 người di cư đã đến đảo Lampedusa phía Nam Italia vào tuần trước, giáng một đòn mạnh vào uy tín của Thủ tướng Giorgia Meloni, người đắc cử vào năm ngoái với cam kết hạn chế nhập cư bất hợp pháp.
Trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Meloni cho biết thay vì 3 tháng như hiện nay, những người di cư đang chờ hồi hương phải bị lưu giữ trong 6 tháng đầu tiên, có thể kéo dài lên tới 18 tháng. “Đó sẽ là khoảng thời gian cần thiết không chỉ để đưa ra những đánh giá mà còn để tiến hành hồi hương những người không đủ điều kiện được quốc tế hỗ trợ”, nhà lãnh đạo Italia nêu rõ.
Các nguồn tin chính phủ cho biết, nội các đã phê chuẩn biện pháp này, cũng như việc thành lập thêm các trung tâm lưu giữ ở các vùng sâu, vùng xa. Theo Thủ tướng Meloni, Italia cần tăng công suất của các cơ sở như vậy vì chúng đã bị suy yếu do "chính sách nhập cư kéo dài nhiều năm". Theo luật pháp Italia, những người di cư sắp phải hồi hương có thể bị giữ lại nếu họ không thể bị trục xuất ngay lập tức. Giới chức nước này cho biết phần lớn người di cư tới Italia vì lý do kinh tế và do đó, không đủ điều kiện để xin tị nạn.
Những nỗ lực trước đây để lưu giữ người di cư phần lớn đã thất bại, khi những người bị lưu giữ liên tục trốn khỏi các trung tâm và thường đi thẳng đến các nước Bắc Âu giàu có hơn.
Vào tháng 4, quốc hội Italia đã thông qua việc thành lập các trung tâm di cư mới dành cho những người đang chờ kết quả của đơn xin tị nạn, cũng như bổ sung các cơ sở lưu giữ những người phải đối mặt với việc bị trục xuất.
Thủ tướng Meloni đã đến thăm Lampedusa vào hôm 17-9 cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen , người đã công bố về một kế hoạch hành động 10 điểm của Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết tình trạng khẩn cấp về người di cư và chia sẻ gánh nặng với Rome. Tuy nhiên, các biện pháp này được nhận định tương tự như các sáng kiến trước đó và không tạo ra nhiều tác động.
Bên cạnh đó, một thỏa thuận được ký kết vào tháng 7 giữa EU và Tunisia để giúp chấm dứt tình trạng di cư từ Bắc Phi vẫn chưa có hiệu lực.
Theo dữ liệu của chính phủ, gần 130.000 người di cư đã đến Italia trong năm nay, gần gấp đôi con số của cùng kỳ năm 2022. Những người di cư đến từ các quốc gia như Guinea, Bờ Biển Ngà, Tunisia, Ai Cập, Burkina Faso, Bangladesh và Pakistan .