Nỗi lo thức ăn đường phố mất an toàn
Vụ việc 141 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại quán "Phượng" ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa xảy ra một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố. Phải làm gì để không còn nỗi lo về rủi ro này?...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ…
Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nêu rõ: Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là phải bảo đảm đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, đội mũ khi bán hàng. Trong chế biến thực phẩm, không được sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, bao gói hợp vệ sinh, có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố... Thế nhưng, đối chiếu những quy định này thì hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều chưa đáp ứng được.
Thực tế từ 22 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 8-2023 về an toàn thực phẩm trên địa bàn 10 phường của quận Hai Bà Trưng cho thấy, vi phạm chủ yếu là nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn…
Cũng với các lỗi vi phạm tương tự, 37 cơ sở trên địa bàn quận Đống Đa đã bị xử phạt với tổng số tiền trên 275 triệu đồng trong 8 tháng của năm 2023.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế cho rằng, thực phẩm đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Nguyên nhân có thể đến từ tất cả các khâu, như: Lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến; bảo quản, bày bán thực phẩm. Các vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm đường phố là Salmonella, tụ cầu trùng vàng Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens và E.coli…
Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Trần Cao Sơn cho biết thêm, ngoài các mối nguy ô nhiễm thực phẩm sẵn có như: Vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hóa chất vô tình nhiễm vào thực phẩm hoặc tự sinh ra trong thực phẩm, còn có những hóa chất được đưa vào do quá trình sản xuất gian dối như: Kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh… Đây là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Còn theo Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học và nếu tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng với các biểu hiện như: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm “bẩn” gây ra những hậu quả mạn tính mà không có triệu chứng ngay. Trong đó, nguy hiểm nhất có thể kể đến bệnh ung thư.
Thực hiện nghiêm quy tắc phòng bệnh để tránh rủi ro
Hà Nội là địa phương có dân số đông thứ hai của cả nước. Kéo theo đó, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn và luôn biến động. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm luôn được cơ quan chức năng của thành phố đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm; đồng thời công khai thông tin để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm tới các nhóm đối tượng đích, gồm: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm, nộm, thịt nướng… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận. Ngoài ra, không ăn rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm với các món bún riêu, bánh cuốn, bánh mỳ patê… bày bán ở các quán hàng vỉa hè. Bởi nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên dễ khiến cơ thể ăn phải ấu trùng giun, sán. Nếu mua các món ăn này về nhà thì nên rửa lại rau sống cho sạch sẽ. Mặt khác, không ăn quẩy, bánh rán, nem rán… chế biến trong những chảo dầu mỡ có màu quá đen.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đưa ra lưu ý, người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở những địa chỉ tin cậy. Đặc biệt, nên quan sát xem khu vực chế biến, bày bán thức ăn có bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không. Đối với hàng rong, nên chọn mua thức ăn của các hàng có dụng cụ, lọ, hộp bảo đảm vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống.