Luận đàm thời sự

Khóa họp thử thách Liên hợp quốc

Đại sứ Trần Đức Mậu 19/09/2023 - 07:03

Tại trụ sở ở thành phố New York (Mỹ), Liên hợp quốc đã bắt đầu Tuần lễ khóa họp Đại hội đồng thường niên lần thứ 78. Lãnh đạo của hơn 140 quốc gia sẽ tới dự và phát biểu trước Đại hội đồng.

Khóa họp Đại hội đồng làm cho Liên hợp quốc trở thành tâm điểm của chính trị thế giới. Nhìn vào chương trình nghị sự và diễn biến của khóa họp Đại hội đồng có thể nhận thấy được thực trạng của chính trị thế giới, những vấn đề đang đặt ra và hình dung chúng đang được thế giới giải quyết như thế nào.

Ngoài những bài phát biểu của lãnh đạo các nước thành viên tại phiên họp Đại hội đồng, khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay còn bao gồm 3 sự kiện khác là: Cuộc gặp cấp cao nhằm kiểm điểm quá trình thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cuộc gặp cấp cao về chống biến đổi khí hậu trái đất. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và quan hệ quốc tế hiện tại, tất cả những sự kiện này đều rất nhạy cảm và tế nhị, đều khó suôn sẻ và khó tiến triển đối với Liên hợp quốc. Nguyên do là tất cả đều bị cuộc chiến ở Ukraine phủ bóng. Ở đâu cũng thấy có tình trạng phân bè chia tuyến vì bất đồng quan điểm về xung đột ở Ukraine và về Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến New York. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng không tham dự sự kiện. Trong số lãnh đạo cao nhất của 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ có Tổng thống Mỹ Joe Biden dự khóa họp Đại hội đồng. Chỉ qua đó thôi cũng đủ thấy khóa họp Đại hội đồng năm nay sẽ tranh cãi nhau nhiều mà đồng thuận, thống nhất ít; sẽ nhắc lại cam kết cũ nhiều mà ý tưởng mới mẻ được đưa ra ít.

Ở cuộc gặp cấp cao về nhìn lại quá trình thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, gần như không có bên nào thực sự tin tưởng rằng các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra từ năm 2015 trong thời gian 7 năm còn lại (đến năm 2030). Tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov - đại diện cho ông Putin - chạm trán nhau. Dự báo, cuộc khẩu chiến ở khuôn khổ diễn đàn này về cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm cho khóa họp kết thúc trong tranh cãi bất hòa không dứt. Cuộc gặp cấp cao về chống biến đổi khí hậu trái đất chắc sẽ không đạt được kết quả mới đáng kể nào vươn xa hơn kết quả của những hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về cùng nội dung này. Trước phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, bài phát biểu của lãnh đạo các quốc gia thành viên thường là trình bày quan điểm chính thống của quốc gia đấy, không có tranh luận và bàn thảo.

Khóa họp Đại hội đồng năm nay thử thách Liên hợp quốc. Cuộc chiến ở Ukraine không dễ sớm chấm dứt và sẽ còn làm tình trạng phân bè, chia tuyến trong cộng đồng thế giới trở nên sâu sắc và trầm trọng thêm. Nếu nó cứ tiếp tục phủ bóng như vậy xuống hoạt động của Liên hợp quốc, nếu nó cứ tiếp tục lấn át những chủ đề nội dung quan trọng khác trên chương trình nghị sự của Liên hợp quốc và nếu nó cứ tiếp tục cản trở Liên hợp quốc tìm kiếm được ý tưởng giải pháp và kiến tạo được cơ hội để giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề đặt ra lâu nay cho thế giới thì vai trò, ảnh hưởng của Liên hợp quốc sẽ bị suy giảm và tổn hại.

Vì thế, các nước thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm to lớn là cùng nhau giải thoát Liên hợp quốc ra khỏi sự chi phối và cương tỏa của chính trị thế giới để Liên hợp quốc vận hành và quản trị chính trị thế giới. Liên hợp quốc chỉ mạnh khi và trong chừng mực các nước thành viên muốn nó mạnh và làm cho nó mạnh.