Đề nghị dành 3 phiên họp tại kỳ họp thứ sáu để lấy phiếu tín nhiệm
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong 3 phiên họp tại kỳ họp thứ sáu.
Chiều tối 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.
Báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ sáu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 12 nội dung vào chương trình kỳ họp, trong đó có việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay nội dung này chưa có tài liệu.
“Do thời gian từ nay đến kỳ họp thứ sáu không còn nhiều, trường hợp Chính phủ gửi hồ sơ, tài liệu thì cũng khó bảo đảm thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra nên đề nghị chưa bố trí vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ sáu, trừ trường hợp đặc biệt có sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền”, ông Bùi Văn Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về dự kiến Quốc hội sẽ dành 1 ngày tại hội trường để nghe, xem xét, thảo luận các báo cáo nêu trên và 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ và trưởng ngành để làm rõ những vấn đề còn tồn tại của các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại 3 phiên họp theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan để bổ sung các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; công tác quản lý cán bộ, công chức; đánh giá việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù chính quyền đô thị...
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày; khai mạc ngày 23-10 và bế mạc sáng 29-11, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 3 ngày thứ bảy. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội). Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 là 20,5 ngày (từ 23-10 đến sáng 16-11); đợt 2 là 4,5 ngày (từ 24-11 đến sáng 29-11).
Do khối lượng nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp, để bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung để gửi đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; đồng thời, tiếp tục công khai danh sách cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 12 nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung, có 4 nội dung có hồ sơ, trong đó 3 nội dung đã được đưa vào chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, kỳ họp có trọng tâm về công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét, cho ý kiến đối với 17 dự án luật; trong đó xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, bên cạnh việc xem xét nhiều nghị quyết khác.
Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ được chỉnh lý và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp tháng 10-2023.