Tranh luận về việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định Tòa án nhân dân (TAND) phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị giữ tên gọi như luật hiện hành.
Chiều 18-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Không tương thích với cơ quan tư pháp khác
Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn.
Dự thảo Luật quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ: TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…) để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, “đổi tên” các tòa án như dự thảo Luật nhưng TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Thẩm quyền xét xử và tổ chức của các tòa án vẫn không thay đổi thì chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.
Việc đổi tên các tòa án này dẫn tới không tương thích với tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự). Bên cạnh đó, việc đổi tên TAND phúc thẩm, nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án. Việc thay đổi về tên gọi của cả hai cấp tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp có liên quan, như các luật tố tụng, Luật Thi hành án dân sự... Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ tên gọi của các tòa án như luật hiện hành.
Về xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật, dự thảo Luật quy định thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án TAND Tối cao có ý kiến; việc bị bắt, giam, giữ... thẩm phán phải có ý kiến của Chánh án TAND Tối cao; thẩm phán TAND Tối cao bị bắt, giam, khởi tố… phải có ý kiến của Chủ tịch nước.
Theo đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 không quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền nêu trên. Việc đề xuất quy định một số “quyền miễn trừ” đối với thẩm phán và thẩm phán TAND Tối cao ngang với quyền miễn trừ với đại biểu Quốc hội (được quy định trong Hiến pháp) là chưa phù hợp. Vì vậy, đề nghị không quy định nội dung trên tại dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia như dự thảo Luật quy định, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Đồng tình với sự cần thiết thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, tuy nhiên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tờ trình và dự thảo Luật chưa làm rõ định hướng sẽ thành lập tại địa hạt pháp lý nào; số lượng bao nhiêu; cơ cấu tổ chức của tòa án này như thế nào.
Chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc đổi tên các tòa án chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”, chưa nói đến một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ, như thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và tỉnh trùng tên thì tên tòa án sẽ phải xử lý ra sao?
“Nếu chưa giải quyết được vấn đề bản chất thì việc đổi tên sẽ dẫn đến thay đổi rất lớn đối với quy định pháp luật có liên quan, chi phí để thay đổi con dấu, tên gọi bảng hiệu… cần phải được đánh giá tác động. Nếu chỉ là thay đổi về mặt hình thức thì cần cân nhắc”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ.
Đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc đổi tên các tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các lập luận của cơ quan soạn thảo chưa thực sự thuyết phục, do đó đề nghị làm rõ hơn về sự cần thiết và tác động của việc đổi tên các tòa án như dự thảo Luật nêu.
Về nội hàm quyền tư pháp, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật quy định “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” là quá rộng, bao hàm nhiều khái niệm nhưng chưa được giải thích trong dự thảo Luật.
Giải trình một số vấn đề, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đa số ý kiến cho rằng cần làm. Theo đó, nhiều nước có tòa án chuyên biệt. Tòa án nhân dân Tối cao dự kiến ban đầu có tòa chuyên biệt gồm: Tòa án sở hữu trí tuệ, Tòa án phá sản…
Về tên gọi của tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết đã tổ chức cuộc họp, đặt ra nhiều phương án về tên gọi để diễn đạt, do đó từ nay đến khi trình Quốc hội, đơn vị chức năng sẽ cân nhắc thêm để có tên gọi hợp lý.
Về xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc báo cáo, thông báo cho người bổ nhiệm và cơ quan chủ quản là để bảo đảm hiệu quả phối hợp trong xử lý vi phạm. “Đây không phải là quyền miễn trừ”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tiếp thu các ý kiến góp ý, thẩm tra của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.