Việt Nam chưa có công trình đạt tiêu chí phát thải ròng bằng 0
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” do Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (18-9) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam giai đoạn những năm 2005-2010. Đến nay, cả nước mới đạt khoảng 300 công trình xanh với tổng khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đó, Chính phủ đã khởi xướng, có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho hay, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH 15 ngày 21-9-2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định: Đối với khu vực nội thành, nội thị và khu vực dự kiến thành lập quận cần tối thiểu 1 công trình xanh, các khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Chiểu theo quy định, nhu cầu đối với thành phố Hà Nội là rất lớn.
Để triển khai, thành phố thực hiện các giải pháp: Nâng cấp hệ thống công viên đô thị, bổ sung thêm từ một phần quỹ đất sau khi di dời các công sở, cơ sở sản xuất công nghiệp; xây dựng và hoàn thiện các công viên, vườn hoa; giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước; triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, Hà Nội xác định nâng chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 là 7,8- 8,1m2/người; đến năm 2030 là từ 12-14m2/người; đến năm 2030 có 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.
Tại cuộc tọa đàm, Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã đưa ra những nhận định, đánh giá về vai trò và tiềm năng của công trình xanh để đóng góp vào các mục tiêu của VNEEP3 và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam; các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế như: Hội đồng Công trình xanh, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB; Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)… cũng chia sẻ về tiềm năng phát triển, đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam; những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới, Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể đang triển khai hoặc dự định thực hiện trong thời gian tới dành cho công trình xanh tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này cũng chia sẻ thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đưa ra những quan điểm, kiến nghị nhằm tháo gỡ các rào cản để phát triển công trình xanh tương ứng với vai trò quan trọng trong tiết kiệm năng lượng, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính...