Truyền thông thay đổi các định kiến về giới
Sáng 18-9, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu “Kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên”.
Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng đã cùng trao đổi với học viên là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí truyền thông xung quanh các chủ đề: Nhặt sạn giới trong các sản phẩm báo chí, phân tích định kiến giới, lăng kính giới trong sản phẩm báo chí. Đặc biệt, các học viên cùng giảng viên đã trao đổi thảo luận các yêu cầu về chất lượng đối với một sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới, xây dựng chủ đề sản phẩm báo chí về giới, sản phẩm báo chí có lồng ghép giới, nhạy cảm giới.
Theo PGS.TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng: Hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản ngăn chặn quyền của phụ nữ, liên quan trước tiên đến nhận thức, ý thức về giá trị bản thân của người phụ nữ. Với nhà báo, khi muốn thay đổi thái độ, nhận thức của công chúng, nhà báo cần nâng cao hiểu biết và nhận thức về bình đẳng giới, truyền thông giới, góp phần phát triển các vấn đề báo chí có lồng ghép giới, có yếu tố nhạy cảm giới.
Còn chuyên gia Lê Văn Sơn nhấn mạnh: Nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới trong giới truyền thông là việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà báo thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, đặc biệt là Điều 4 với nội hàm: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.