Tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Tăng cơ hội trở lại thị trường lao động
Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến số người lao động bị mất việc làm còn nhiều.
Với những người có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, họ có thêm nhiều cơ hội sớm trở lại thị trường lao động khi được hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm...
Dễ tìm việc mới
Cùng làm nghề may được gần 4 năm, cùng bị mất việc làm vào tháng 4-2023 nhưng cơ hội có việc làm mới của hai người bạn thân Nguyễn Thùy Dung và Hà Thị Nhung, trú tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) lại khác nhau. Do làm việc tại một cơ sở may mặc tư nhân, không ký kết hợp đồng lao động, không tham gia các chính sách bảo hiểm nên chị Nguyễn Thùy Dung không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cuộc sống trong giai đoạn mất việc làm của chị gặp khá nhiều khó khăn và cơ hội có việc làm mới vẫn chưa đến.
Lựa chọn học nghề kỹ thuật pha chế đồ uống miễn phí dành cho lao động thất nghiệp thay vì nhận tiền trợ cấp, anh Trần Hữu Nguyên, trú tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) cũng có việc làm mới từ tháng 8-2023, ngay sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo.
Ngoài những trường hợp nêu trên, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ, tư vấn, kết nối việc làm, đào tạo nghề cho hơn 7.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu nhận tiền trợ cấp, người lao động dùng số tiền này bù đắp cho phần thu nhập mất đi trong giai đoạn không có việc làm, giúp cuộc sống ít bị biến động hoặc tự học nghề nhằm chuyển đổi công việc. Những người không nhận tiền, mà tham gia các khóa đào tạo nghề miễn phí, họ có thêm kỹ năng nghề để tìm việc mới hoặc tự tạo việc làm. “Dù lựa chọn cách nào thì người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng có nhiều yếu tố thuận lợi để trở lại thị trường lao động hơn những người không tham gia chính sách”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu nhấn mạnh.
Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng quan tâm bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngành giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 90.000 người/tháng, tăng khoảng 10% so với năm 2022. Tất cả người hưởng chế độ đều được các cơ quan chức năng tạo thuận lợi để sớm trở lại thị trường lao động.
Để nhiều lao động được thụ hưởng chính sách
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu hấp dẫn khi mới tập trung giải quyết chế độ trợ cấp, mà thiếu yếu tố phòng ngừa, hạn chế để người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Đối tượng được thụ hưởng còn ít, do chính sách mới bao phủ đến nhóm lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, về tổng thể, bảo hiểm thất nghiệp cần được thiết kế theo hướng chú trọng bảo đảm việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề để người lao động có cơ hội duy trì việc làm bền vững. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong giai đoạn mất việc, giúp họ sớm có việc làm, ổn định đời sống. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm tình trạng người lao động tự rời khỏi hệ thống an sinh bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt.
Dưới góc độ người lao động, anh Hoàng Trọng Nghĩa, trú tại xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho rằng, các cơ quan chức năng cần đưa bảo hiểm thất nghiệp đến với nhiều nhóm lao động, nhất là với những người làm công việc tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trước những bất cập thấy rõ, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nhiều chính sách mới. Chẳng hạn, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), bảo hiểm thất nghiệp được sửa đổi theo hướng là công cụ quản trị thị trường lao động, gắn với bảo đảm việc làm bền vững. Đối tượng tham gia được đề xuất mở rộng hơn. Điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nới lỏng hơn, bao gồm người sử dụng lao động gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (hiện nay chỉ áp dụng cho trường hợp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế). Mức hỗ trợ, thời gian đào tạo nghề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên so với quy định hiện hành...
Trong khi chờ đợi các chính sách vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khuyến nghị người lao động nên chủ động lựa chọn hình thức hưởng bảo hiểm thất nghiệp sao cho phù hợp và có lợi nhất; đồng thời yêu cầu hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nâng cao hiệu quả kết nối người lao động bị mất việc với thị trường lao động.