Y tế

Cứng hàm, khó nuốt sau khi bị vật cứng rơi vào chân

Thu Trang 17/09/2023 - 19:43

Người đàn ông 58 tuổi ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội bị một vật cứng rơi vào chân, gây chảy máu ở mu bàn chân, sau đó có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt.

Chiều 17-9, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trước khi vào viện 11 ngày, nam bệnh nhân 58 tuổi nói trên bị một vật cứng rơi vào chân, gây ra vết thương chảy máu ở mu bàn chân, nhưng không đi tiêm vắc xin phòng uốn ván. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt và phải vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tại bệnh viện, sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân mắc uốn ván.

benh-nhan-mac-uon-van-dieu-tri-tai-bv-benh-nhiet-doi-trung-ung.jpg
Một bệnh nhân mắc uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc uốn ván (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 ca tử vong.

Uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Dấu hiệu bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là cứng cơ nhai, mặt, gáy và sau đó là cơ thân.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 - 21 ngày, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn, mức độ cũng nặng hơn.

Đây cũng là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí rất tốn kém. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.

Đặc điểm chung của nhiều ca uốn ván thời gian gần đây là có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động nhưng không tiêm phòng uốn ván. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng cứng hàm, nói khó, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, sau khi bị thương, người bệnh cần bình tĩnh xử lý vết thương đúng cách để làm chậm quá trình xâm nhập của vi khuẩn. Cụ thể là rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch. Loại bỏ tất cả các chất bẩn, dị vật bám lên vết thương (có thể sử dụng oxy già), rồi rửa sạch lại vết thương bằng xà phòng, băng bó và đến cơ sở gần nhất để tiêm vắc xin phòng uốn ván. Việc sơ cứu đúng cách có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn 4 giờ.