Văn hóa

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Việt: "Cháy" hết mình với đam mê điện ảnh

Vân Thảo 17/09/2023 - 17:52

Ngoài đời nhìn Nguyễn Đức Việt trẻ hơn nhiều so với tuổi 62. Trông anh cũng không giống một nhà làm phim “bụi phủi”, từng lăn lóc khắp các vùng, miền với vai trò quay phim hay đạo diễn, bởi ngoài nước da trắng, anh còn có tác phong thư sinh.

Nhưng chưa hết, nói về Nguyễn Đức Việt - tay máy “cứng” của Hãng phim truyện Việt Nam, từng giành giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XI - năm 1996 với phim “Cây bạch đàn vô danh” và “Nước mắt thời mở cửa”, người ta còn phải nhắc tới những khuôn hình đầy tính tự sự nhưng vẫn đậm chất thơ trong “Đời cát"...

638299621309108191-z4677903.jpg

1. Nguyễn Đức Việt sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An) nổi tiếng với truyền thống học hành, đỗ đạt. Cha anh là nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Nam.

Tốt nghiệp ngành Quay phim, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1987, Nguyễn Đức Việt về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Thập niên 1990, điện ảnh tập trung vào đề tài hiện thực xã hội, phản ánh các vấn đề của đời sống một cách đa chiều, táo bạo và gai góc, qua đó thể hiện tinh tế những góc khuất tâm sự, tình cảm, khát vọng của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới. Rất nhiều phim Việt Nam sản xuất trong giai đoạn này đã có sự cách tân trong cách làm, đặc biệt là phần hình ảnh được chú trọng nhằm tạo hiệu ứng thị giác, góp phần nâng cao giá trị của nội dung phim.

Là tay máy trẻ, sức sáng tạo đang ở thời kỳ sung mãn, Nguyễn Đức Việt có cơ hội phát huy năng lực của mình qua các phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất như “Chiếc bình tiền kiếp” (1990), “Truy lùng băng quỷ gió” (1992), “Cây bạch đàn vô danh” (1995), “Nước mắt thời mở cửa” (1996), “Khoảng vỡ” (1997), “Đời cát” (1999), “Vua bãi rác” (2001)... Tài năng của anh đã được ghi nhận với cú đúp Giải thưởng Quay phim xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ XI (1996) với phim “Cây bạch đàn vô danh” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) và “Nước mắt thời mở cửa” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Hình ảnh cây bạch đàn giống như một con người có khí chất, có nội lực vượt qua mọi nghịch cảnh; những con đường làng, triền đê, mái đình, quán nước không quá rộng và xa nhưng cũng chưa đủ gần để những nhân vật xích lại gần nhau... trong “Cây bạch đàn vô danh” đã góp phần làm cho bộ phim có thêm sức nặng. Ba con người trong tâm trạng bức bối, căng thẳng bởi những giằng xé về mặt tình cảm và những khát khao dồn nén chực vỡ òa qua ống kính của Nguyễn Đức Việt đã khiến “Đời cát” đạt đến đỉnh cao về mặt cảm xúc. Có thể nói, những cảnh quay ấn tượng của anh, dù cảnh nội hay cảnh ngoại trong phim “Đời cát” đều khiến người xem ám ảnh và góp vào thành công chung cho bộ phim.

638299621320070383-541998_1.jpg
NSƯT đạo diễn Nguyễn Đức Việt (giữa) cùng với các đồng nghiệp trong một cảnh quay.

2. Bộ phim điện ảnh đầu tiên mà Nguyễn Đức Việt thực hiện trong vai trò đạo diễn là phim âm nhạc có tựa đề “Vũ điệu đam mê”. Giải Cánh diều Vàng - phim điện ảnh xuất sắc - Giải thưởng Cánh diều năm 2010 dành cho phim đã trở thành “bàn đạp” để anh tiếp tục tự tin trên chiếc ghế đạo diễn với “Em muốn làm người nổi tiếng” (giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17 - năm 2011). Hai bộ phim âm nhạc, nói về những người trẻ tuổi khao khát được sống với đam mê và nỗ lực hết mình để biến giấc mơ thành hiện thực những tưởng sẽ định hình phong cách và sở trường của Nguyễn Đức Việt ở vai trò đạo diễn nhưng năm 2014, anh bất ngờ trình làng “Những đứa con của làng” về đề tài hậu chiến.

Được biết, để làm bộ phim này, “trai phố” Nguyễn Đức Việt đã lăn lộn ở nhiều vùng đất nghèo hoang sơ khắp miền Trung và Tây Nguyên để tìm nơi phù hợp với khung cảnh, lối sống của người nông dân trong câu chuyện phim diễn ra 50 năm trước. Và trước khi quyết định chọn một xã thuộc huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) làm bối cảnh chính thức, anh đã phải “đi vào đi ra” tới 4 lần. Tại Lễ trao giải Cánh diều 2014, “Những đứa con của làng” - bộ phim giàu cảm xúc về những con người đi qua chiến tranh với nhiều mất mát đau thương nay nỗ lực hóa giải hận thù, hàn gắn vết thương từ cuộc chiến đã giành giải thưởng Cánh diều Bạc (không có giải Cánh diều Vàng) và giải Báo chí phê bình, đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Nguyễn Đức Việt ở vai trò đạo diễn. Khiêm nhường và luôn tập trung làm tốt việc của mình, vì thế, khi bắt tay thực hiện bất cứ bộ phim nào, dù là dự án nhỏ hay trọng điểm, anh đều làm hết mình.

NSƯT Nguyễn Đức Việt nghỉ hưu năm 2021. Đầu năm nay, anh khởi quay bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát) - bộ phim về đề tài truyền thống do nhà nước tài trợ, đặt hàng. Nhà biên kịch, nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát - từng hợp tác với Nguyễn Đức Việt qua các bộ phim “Em muốn làm người nổi tiếng”, “Những đứa con của làng”, “Biên cương”..., cho biết: “Việt xuất thân từ quay phim, chính tôi đề nghị anh ấy trở thành đạo diễn qua bộ phim “Em muốn làm người nổi tiếng”.

Từ phim đầu tiên đến giờ, Việt đã khác nhiều, có kinh nghiệm hơn, đạo diễn sâu sắc hơn. Việt cũng là người thẩm thấu được văn chương, yêu cái đẹp và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn, hơn nữa anh ấy không thuộc tuýp đạo diễn có cái tôi quá lớn, phá cách. Tôi thích tính cách và lối tư duy làm việc của Việt. Làm việc với anh ấy rất an toàn cả về chất lượng lẫn tiến độ thời gian, và đặc biệt là không bị stress nhiều qua các cuộc tranh luận, xây dựng góp ý giữa sản xuất - đạo diễn và giữa biên kịch - đạo diễn - vốn là điều thường thấy trong các đoàn làm phim”. “Hồng Hà nữ sĩ” là bộ phim điện ảnh thứ 4 do Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn và chắc chắn chưa phải là bộ phim cuối cùng của anh.

3. Ba mươi năm gắn bó với nghề quay phim, “nhìn đời qua ống kính”, Nguyễn Đức Việt bảo anh vẫn chưa có lý do để chán nghề. Việc chuyển sang làm đạo diễn, như anh nói, có chăng chỉ là điểm dừng để tự làm mới mình mà thôi. “Làm đạo diễn không có nghĩa là tôi rời bỏ chiếc máy quay phim, và ngược lại. Tôi muốn thay đổi bản thân, muốn làm mới mình để được trải nghiệm những dư vị và trạng thái khác nhau của điện ảnh” - anh cho biết. Và, dù ở vai trò nào anh cũng giữ vững nguyên tắc làm việc của mình. Đó là bất cứ cảnh quay nào trong mỗi bộ phim cũng phải thể hiện chân thực và mang lại cảm xúc cho khán giả.

Khi trả lời câu hỏi: “Đề tài mà anh yêu thích là gì?”, Nguyễn Đức Việt trả lời: “Tôi rất thích làm phim về các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo bởi tôi là người yêu nước, yêu những tấm gương hy sinh, gian khổ của người chiến sĩ và cảm phục công việc mà các chiến sĩ đang làm. Tình yêu này nằm trong máu thịt của tôi nên dù vất vả, tôi vẫn làm bởi không có gì thú vị hơn khi được làm việc bằng tình yêu của chính mình dành cho tác phẩm điện ảnh mà mình yêu thích”.

Đạo diễn Nguyễn Đức Việt sinh năm 1961 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Quay phim Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1987 và về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Anh là quay phim chính của các phim “Chiếc bình tiền kiếp”, “Truy lùng băng quỷ gió”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Nước mắt thời mở cửa”, “Khoảng vỡ”, “Đời cát”, “Vua bãi rác”...; đạo diễn các phim truyện điện ảnh “Vũ điệu đam mê”, “Em muốn làm người nổi tiếng”, “Những đứa con của làng”, phim truyền hình “Biên cương”. Hiện anh vừa hoàn thành phim điện ảnh “Hồng Hà nữ sĩ”.