Sao chưa đẩy mạnh chuyển đổi?
Có lẽ, chủ đề được nhiều phụ huynh phàn nàn, trao đổi nhất khi bước vào năm học mới là các khoản thu đầu năm.
Theo quy định, ngoài các khoản thu cố định, các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, có sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện. Tất nhiên, các trường làm đúng quy định với sự sáng tạo phù hợp và đều được các bậc phụ huynh “gật đầu” dù vui vẻ hay miễn cưỡng. Đáng nói là có phụ huynh sau khi họp về lại tung ảnh chụp các khoản lên mạng xã hội để thỏa cơn bức xúc. Chuyện có chút khó nghĩ, bởi một khi đã chấp thuận thì còn kêu ca nỗi gì?
Nhưng, qua danh sách thấy có trường thu khoản “học liệu”, tiền “phô tô tài liệu” lên tới 200.000 - 250.000 đồng/năm thì thấy cũng lạ. Số tiền phô tô tài liệu, “học liệu” của một học sinh lên tới vài trăm nghìn đồng thì đến nhà báo cũng phải ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng, bởi lẽ, lâu nay, để tiết kiệm, chính các phóng viên, nhà báo cũng chỉ xin “bản mềm” được gửi qua email, nền tảng mạng xã hội để đọc, nghiên cứu thay vì phô tô cho tốn kém (dù bản in đọc thích hơn). Thêm vào đó, nhiều trường học đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu, các phần mềm phục vụ dạy và học.
Học sinh tiểu học hoặc ở nơi khó khăn thì không nói, nhưng với học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc in, phô tô tài liệu đúng là cần xem xét, tiết giảm tối đa. Thay vì in, phô tô, có thể gửi bản mềm, học sinh nào thấy cần thì sẽ tự đi in để đọc, học. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm mà còn bớt việc, giảm điều tiếng cho các trường học. Nhiều cơ quan, đơn vị hiện cũng đã thay việc in, phô tô văn bản để gửi bằng việc sử dụng cách gửi qua email, nền tảng mạng xã hội. Chẳng lẽ, các cơ sở giáo dục lại không thấy và đẩy mạnh chuyển đổi số ở việc đơn giản này?