Văn hóa

Tiếp nhận tài liệu báo chí Nhật Bản về sự kiện 30-4-1975:Nối dài tình thương mến với Việt Nam

Hà An 17/09/2023 - 11:13

Cuốn sổ khổ lớn giấy vàng ngà, với những bài báo tiếng Nhật được cắt dán từ cách đây gần 50 năm xung quanh chiến thắng 30-4-1975 của Việt Nam, vừa được Giáo sư Shunsuke Murakami trao lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào sáng 12-9-2023.

Tiếp nối những câu chuyện về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với Việt Nam, tư liệu này là một minh chứng cho tình hữu nghị Việt - Nhật vẫn thầm lặng chảy qua những kết giao bền chặt của nhân dân hai nước. Một sự kiện ý nghĩa diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023).

vn-japan1.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi (trái), Cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam đón nhận hiện vật do Giáo sư Shunsuke Murakami trao tặng bảo tàng sáng 12-9-2023.

Gửi trao và đón nhận

Năm năm trước, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong một chương trình nghiên cứu tại Nhật Bản, đã tình cờ được Giáo sư Shunsuke Murakami chia sẻ về cuốn sổ lưu giữ những bài báo của Nhật Bản về chiến tranh Việt Nam. Chứng kiến một trí thức Nhật Bản nâng niu, gìn giữ thông tin về một giai đoạn lịch sử của quê hương mình đã mang lại cảm xúc đặc biệt cho nhà khoa học thế hệ 7x Việt Nam sinh ra trong thời bình.

Shunsuke Murakami là Giáo sư danh dự khoa Kinh tế học, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội, Đại học Senshu, Nhật Bản. Toàn bộ bài báo trên tờ Asahi Shimbun được ông cắt dán cẩn thận trong cuốn sổ nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và sự kiện chiến thắng 30-4-1975.

Trước thông tin Giáo sư Shunsuke Murakami chuẩn bị nghỉ hưu và sẽ phải thu hẹp quy mô thư viện cá nhân, chị Phương đã bày tỏ mong muốn được tiếp nhận cuốn sổ này để tiếp tục lưu giữ thay ông. Nhắc lại sự kiện đó, chị Phương xúc động chia sẻ, việc Giáo sư không trả lời đồng ý chính thức vào thời điểm đó khiến chị hiểu ông còn nhiều lưu luyến với tài liệu này.

Đến tháng 7-2023, khi trở lại Nhật Bản, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương một lần nữa bày tỏ nguyện vọng được đưa cuốn sổ về nước để công chúng Việt Nam biết đến lịch sử chiến tranh của nước mình dưới góc nhìn của báo giới Nhật Bản. Ý thức về tính hữu hạn của thời gian, Giáo sư trao lại cuốn tư liệu lịch sử cho chị, như bàn giao trách nhiệm cho người trẻ hơn mình. Những nỗ lực cá nhân của Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các nhà báo trong nước, làm nên một cuộc hội ngộ nhiều ý nghĩa của sự gửi trao và đón nhận.

Kể từ ngày 12-9-2023, cuốn sổ lưu giữ tư liệu báo chí Nhật Bản về sự kiện 30-4-1975 của Việt Nam chính thức được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bày tỏ sự cảm kích và cho rằng câu chuyện xúc động về quá trình đưa hiện vật ý nghĩa này về Việt Nam là minh chứng cho một cuộc gặp gỡ, kết nối từ trái tim đến trái tim, được thực hiện qua con đường báo chí, con đường văn hóa.

Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng khẳng định: Đây là lần đầu tiên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam diễn ra lễ trao tặng hiện vật của một người nước ngoài. Tài liệu báo chí của Giáo sư Shunsuke Murakami có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của bảo tàng, giúp các thế hệ người Việt Nam hiểu thêm về sự ủng hộ của báo chí và bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

vn-japan1a.jpg
Giáo sư Shunsuke Murakami tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Quang Thái

Nuôi dưỡng tình hữu nghị

Sự kiện trao gửi hiện vật này chỉ là một lát cắt trong suốt chặng dài quan tâm và dành sự yêu mến của một thanh niên, trí thức Nhật Bản cho nhân dân Việt Nam, nhất là trong những thời khắc quan trọng của lịch sử dải đất hình chữ S.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giáo sư Shunsuke Murakami nhớ lại: "Từ năm 1967 đến 1970, phong trào sinh viên chống chiến tranh lan rộng mạnh mẽ ở các quốc gia phương Tây. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Là sinh viên đại học, tôi cũng đã xuống đường tham gia làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam. Năm 1973, bước vào chương trình thạc sĩ nhưng tôi vẫn duy trì sự quan tâm mạnh mẽ đối với diễn biến của cuộc chiến tranh Việt Nam".

Giáo sư Murakami còn cho biết, thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại Nhật Bản. Ngay từ những năm 1960, trên các góc phố ở Nhật đã có bảng tin dán hình ảnh, tin tức của các tòa soạn báo. Năm 1963, hình ảnh một nhà sư tự thiêu tại miền Nam Việt Nam xuất hiện trên bảng tin đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong cậu bé 13 tuổi là ông khi đó.

"Tuy nhiên, thái độ của các tờ báo Nhật Bản lại rất khác nhau. Tờ Asahi Shimbun mà lúc đó và cho đến tận bây giờ tôi vẫn đặt mua hằng ngày, tỏ ý đặc biệt thân thiện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (còn gọi là Bắc Việt Nam) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính vì lẽ đó, tất cả các bài báo trong cuốn sổ lưu trữ này đều là của tờ báo Asahi Shimbun" - Giáo sư Shunsuke Murakami khẳng định.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, việc tờ báo hằng ngày của Nhật Bản có lượng phát hành lớn đưa tin về chiến thắng 30-4-1975 của Việt Nam tạo ra sức ảnh hưởng không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên thế giới. Sự đóng góp của báo chí thế giới đối với thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là vô cùng to lớn. Trên con đường mở cửa hội nhập để phát triển hôm nay, Việt Nam luôn mở rộng vòng tay kết nối, hợp tác, đón nhận tình cảm quý mến của bạn bè quốc tế, trong đó có tình cảm và sự chia sẻ của Giáo sư Shunsuke Murakami".

Đến Việt Nam lần này là lần thứ chín, nhưng lần nào Giáo sư Murakami cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về những bước phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Ông nhớ lại: "Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1997, trong một chuyến nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội của Đại học Senshu. Tôi đã được đến thăm nhiều cơ quan Trung ương, bộ, ngành và được lắng nghe về tình hình kinh tế - xã hội sau Đổi mới. Sau đó, tôi trở lại Việt Nam nhiều lần trong vai trò Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội của Đại học Senshu. Chứng kiến sự phát triển của Việt Nam, tôi cảm nhận được lòng kiên nhẫn và sự phấn đấu mạnh mẽ của người dân Việt Nam nhằm vượt qua nghịch cảnh thời hậu chiến cũng như khó khăn trong những ngày đầu Đổi mới. Tôi thực sự rất kính phục người dân Việt Nam".

Có thể nói, lòng thương mến giản dị, thầm lặng của bạn bè quốc tế với Việt Nam mà câu chuyện của Giáo sư Shunsuke Murakami là một ví dụ, cho thấy tài sản quý giá mà Việt Nam có được trong suốt chiều dài bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước. Giữ gìn, nuôi dưỡng tình cảm ấy không chỉ bằng các chương trình ngoại giao tầm vóc quốc gia, mà còn bằng cách ứng xử đẹp đẽ, nghĩa tình giữa các tầng lớp nhân dân hai nước.

Vì thế, người viết tin rằng câu chuyện về cuốn sổ tư liệu báo chí Nhật Bản về Việt Nam kể trên đã vượt ra ngoài khuôn khổ một sự kiện trao tặng hiện vật thông thường, và sẽ còn lưu dấu ở chiều sâu tình cảm giữa các nhà khoa học hai nước, tô đậm thêm trang sử 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Giáo sư Shunsuke Murakami: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục quan tâm đến những trang sử mới của Việt Nam. Với tư cách một người đã nghỉ hưu, tôi muốn giao trách nhiệm cho thế hệ trẻ tại Viện Khoa học Xã hội của Đại học Senshu, Nhật Bản, trong việc tiếp tục thực hiện hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, với lòng kiên nhẫn, tinh thần kỷ luật đã được chứng minh trong lịch sử, Việt Nam sẽ không ngừng phát triển và mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ mãi bền chặt”.