Argentina loay hoay trong vòng xoáy khủng hoảng
Bất chấp nhiều nỗ lực của Chính phủ, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Argentina không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng trầm trọng hơn. Tốc độ lạm phát thường niên đã tăng vọt lên mức 124,4%, mức cao nhất kể từ năm 1991; đồng nội tệ peso trượt giá mạnh đẩy tỷ lệ nghèo ở Argentina vượt ngưỡng 40%. Những chỉ số tiêu cực này làm dấy lên lo ngại rằng, nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Nam Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Theo số liệu do cơ quan thống kê INDEC của Chính phủ Argentina công bố, giá tiêu dùng tháng 8-2023 ở nước này đã tăng 12,4% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 2-1991. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm tăng 15,6%. Đặc biệt, giá một số loại thịt bò tăng tới 40%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ lạm phát cao phần lớn có nguyên nhân từ việc Ngân hàng Trung ương Argentina phá giá đồng peso gần 18% và tăng lãi suất cơ bản lên 118% sau chiến thắng bất ngờ của ứng viên cực hữu Javier Milei trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ ngày 14-8. Trong suốt một tháng qua, thị trường đã có những phản ứng tiêu cực khi nhiều cử tri Argentina lo ngại, chính trị gia có một số quan điểm trái ngược, như bỏ Ngân hàng Trung ương và đô la hóa nền kinh tế, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức, dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Argentina, mức lạm phát cả năm của nước này sẽ vào khoảng 169-180%, cao hơn nhiều so với con số dự báo đưa ra cách đây một tháng là 141%. Mức dự báo lạm phát của tháng 9 và tháng 10 tương ứng là 12% và 9,1%.
Sau thời gian dài khủng hoảng, Argentina đã trở thành “con nợ” lớn nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cách đây 5 năm, nước này đã được tổ chức tiền tệ lớn nhất thế giới cung cấp khoản cứu trợ trị giá 57 tỷ USD để giúp Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri thoát khỏi “cơn bão” lạm phát và thâm hụt ngân sách. Nhưng chương trình đó đã thất bại trong việc đưa Argentina thoát khỏi “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế.
Đứng trên bờ vực suy thoái lần thứ sáu trong một thập kỷ, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez, nhậm chức từ cuối năm 2019, đã bỏ lỡ các mục tiêu mà IMF đặt ra nhằm tái cấp vốn 44 tỷ USD. Mặc dù vậy, IMF vẫn quyết định thông qua khoản giải ngân đầu tiên trị giá 7 tỷ USD vì tổ chức này không muốn đẩy Buenos Aires vào tình trạng vỡ nợ, khiến nước này rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.
Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch IMF Kristalina Georgieva đã đưa ra nhận định, tình hình kinh tế Argentina ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức do trận hạn hán lịch sử cùng với sự trượt dốc về chính sách, khiến các mục tiêu chính bị bỏ lỡ. Trong bối cảnh lạm phát cao và áp lực cán cân thanh toán, các cơ quan chức năng đang triển khai gói chính sách mới để bảo vệ sự ổn định và củng cố tính bền vững trung hạn, tập trung vào việc xây dựng lại dự trữ ngoại hối và tăng cường trật tự tài chính.
IMF khuyến nghị Argentina hoàn thành mục tiêu đưa thâm hụt tài chính cơ bản về mức 1,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay để hỗ trợ sự ổn định kinh tế và tài chính. Các biện pháp tăng cường kiểm soát chi tiêu, tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng cần được triển khai.
Từ năm 2024, IMF sẽ giám sát chặt chẽ lộ trình chính sách của Chính phủ Argentina đặt ra theo đúng các mục tiêu đã cam kết, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình củng cố tài chính thông qua các biện pháp thu chi chất lượng cao. Điều này sẽ giúp loại bỏ việc sử dụng tiền vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, đồng thời hỗ trợ giảm phát. Hoạch định chính sách linh hoạt và lập kế hoạch dự phòng vẫn là điều bắt buộc và có thể cần thêm các biện pháp khác để đạt được các mục tiêu cũng như duy trì sự ổn định. IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Argentina, đồng thời hoàn thành giai đoạn đầu của đường ống dẫn khí đốt giúp nước này củng cố khả năng tự chủ về năng lượng.
Để giải quyết những thách thức kéo dài của Argentina, chính quyền tương lai phải nỗ lực không ngừng. Dù ứng cử viên tự do Javier Milei hay bà Patricia Bullrich, đại diện Liên minh Đoàn kết vì sự thay đổi hoặc Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa của Liên minh vì Tổ quốc cầm quyền có giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ưu tiên hàng đầu của vị tổng thống kế nhiệm buộc phải làm là đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và không được chệch khỏi “lộ trình” IMF đã vạch ra.