Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa: Xây dựng nông dân Thủ đô năng động, kỷ cương
Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến diễn ra trong 2 ngày (20 và 21-9), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, nhiều hoạt động của Hội cũng như phong trào nông dân đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, mở hướng xây dựng lực lượng nông dân Thủ đô năng động, nghĩa tình, kỷ cương…, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa.
Hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả 14/14 chỉ tiêu
- Thưa bà, việc thực hiện các chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra đã đạt được những kết quả gì?
- Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả 14/14 chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu lần thứ IX đề ra. Đặc biệt, có một số chỉ tiêu vượt cao, như xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (đạt 135%), phát triển hội viên (150%), xây dựng quỹ hội (175%)... Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và bảo vệ môi trường.
Với những kết quả đạt được đó, Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhiều năm liên tục được Hội Nông dân Việt Nam và thành phố ghi nhận là đơn vị thi đua xuất sắc. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 8 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội...
- Dấu ấn quan trọng nhiệm kỳ qua phải kể tới phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Xin bà cho biết thêm về phong trào này?
- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được xác định là phong trào trọng tâm, nòng cốt, xuyên suốt của Hội. Nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng hóa các mô hình tập hợp, thu hút hội viên, phát triển phong trào, như thành lập “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế”... Hằng năm, các cấp Hội tổ chức phát động thi đua, vận động hội viên đăng ký thực hiện, tiến hành bình xét công khai, dân chủ. Trong nhiệm kỳ, có 1.350.310 lượt hội viên đã đăng ký tham gia phong trào (chiếm 65% tổng số hộ hội viên), qua bình xét có 874.632 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp bình quân đạt gần 67% so với số hộ hội viên đăng ký.
- Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô. Bà có thể thông tin chi tiết về nội dung này?
- Các cấp Hội đã vận động nông dân hiến 208.783m2 đất, 348.049 ngày công, đóng góp hơn 151,250 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; tham gia sửa chữa 76.111km đường giao thông nông thôn... Thực hiện tốt cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, bình quân mỗi năm Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng 6,7%, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố lên 781,129 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân đã đầu tư, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.
Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp đúng
- Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội vẫn còn những khó khăn nhất định. Bà nhận định về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số cơ sở chưa được tốt, còn hình thức. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Phong trào nông dân và hoạt động Hội phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ, sản xuất thô, thiếu chế biến sâu… Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số nơi còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.
- Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ có những đổi mới như thế nào trong hoạt động, điều hành, thưa bà?
- Hội tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi hội...; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp.
Các cấp Hội cơ sở chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp quan tâm đến công tác cán bộ, ưu tiên bố trí đủ cán bộ theo biên chế; bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết với công tác phong trào, có kinh nghiệm thực tiễn vận động quần chúng để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp...
Hội cũng sẽ phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả để thu hút các thành phần trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân, giám đốc các hợp tác xã; khuyến khích, ưu tiên cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp tham gia sinh hoạt tại các chi hội, tổ Hội Nông dân. Tăng cường quản lý, cập nhật thường xuyên biến động hội viên bằng việc áp dụng công nghệ số, tích hợp đồng bộ từ cơ sở lên Hội Nông dân thành phố…
- Trân trọng cảm ơn bà!