Giải Cánh diều 2023: Thấy gì ở tuổi 20?
Gần như không có bất ngờ, Giải thưởng Cánh diều 2023 đã khép lại trong sự hài lòng của cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng Cánh diều - với tư cách là giải thưởng của hội nghề nghiệp chuyên ngành điện ảnh - phải có dấu ấn quan trọng hơn nữa trong đời sống điện ảnh nước nhà khi đã ở cột mốc 20 tuổi.
Ai cũng vui
Nhìn vào danh sách Giải thưởng Cánh diều năm nay, có thể nhận thấy một sự hài hòa có thể làm vừa lòng cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Ở hạng mục Phim truyện điện ảnh - hạng mục được chú ý nhiều nhất, phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có một chiến thắng thuyết phục.
Tuy nhiên, đây không phải là một “ẩn số” bởi từ khi còn là dự án rồi sau này thành phim, “Tro tàn rực rỡ” đã được mời tham gia nhiều liên hoan phim uy tín, đạt được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, trong đó có giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa ở Pháp năm 2022 cũng như giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế châu Á Đà Nẵng 2023... Với thành tích đó, việc “Tro tàn rực rỡ” chinh phục được hội đồng giám khảo của Cánh diều 2023 cũng là điều dễ hiểu. Phim mang đến một câu chuyện về tình yêu, thân phận có chiều sâu, đầy tính chiêm nghiệm gắn với tính đặc trưng vùng miền đặc sắc.
Những bộ phim hướng tới khán giả đại chúng, từng đoạt doanh thu cao cũng được ghi nhận ở nhiều hạng mục giải thưởng. Chẳng hạn, phim “Nhà bà Nữ” nhận Cánh diều bạc cùng giải Biên kịch điện ảnh xuất sắc nhất cho Trấn Thành. Phim “Con Nhót mót chồng” nhận được hai giải cá nhân dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là nghệ sĩ Thái Hòa và Thu Trang... Theo đánh giá của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Trưởng ban Giám khảo Phim truyện điện ảnh, các phim tham dự giải đều có chất lượng, kể cả phim thương mại. Đây là điều đáng mừng của nền điện ảnh nước nhà.
Bên cạnh đó, dòng phim truyền hình cũng thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, trong đó, những bộ phim về đề tài gia đình được đánh giá cao hơn cả. Ba bộ phim về đề tài gia đình của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam, đều bội thu giải thưởng. Giải Cánh diều vàng thuộc về phim “Mẹ rơm”, Cánh diều bạc được trao cho phim “Anh có phải đàn ông không”. Phim “Đừng làm mẹ cáu” cũng có một giải vàng dành cho diễn viên Quỳnh Kool - giải Nữ chính xuất sắc phim truyền hình...
Kỳ vọng
Cùng với giải Bông sen, Cánh diều là một trong hai giải thưởng có quy mô lớn và uy tín nhất của nền điện ảnh Việt Nam. Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khởi đầu từ năm 2002 và khởi trao từ năm 2003, Giải thưởng Cánh diều đã qua 20 mùa và ngày càng có quy mô, tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn. Năm nay, ở tuổi 20, giải Cánh diều tôn vinh 11 cá nhân gắn bó với giải từ những ngày đầu và 433 nghệ sĩ, tác phẩm đã đoạt giải Cánh diều trong 20 mùa qua. Đây là một con số không hề nhỏ, cho thấy Cánh diều đã trở thành một phần ý nghĩa của đời sống điện ảnh.
Tuy nhiên, sau 20 mùa, nhiều người vẫn cảm thấy tiếc cho một giải thưởng của hội nghề nghiệp vì chưa tạo được một sân chơi nghề nghiệp đúng nghĩa. Nhiều năm liền, giải thưởng này rơi vào tình cảnh loay hoay trong khâu tổ chức, trong việc chọn thời gian và địa điểm tổ chức, tìm nhà tài trợ... Điều đáng nói hơn, đó là việc giải Cánh diều chỉ được biết đến với đêm trao giải ngắn ngủi, các nghệ sĩ gặp nhau, nhận giải rồi về mà chưa tạo thành một sân chơi có tầm ảnh hưởng và tính kết nối về chuyên môn rộng rãi hơn nữa.
Từng nhiều lần được vinh danh ở giải Cánh diều, năm nay cũng nhận giải Cánh diều bạc dành cho phim truyền hình xuất sắc với phim “Bình minh phía trước”, đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng hy vọng giải Cánh diều có thể làm được nhiều điều hơn nữa. Anh viết trên trang cá nhân: “Giá mà có một diễn đàn để các nghệ sĩ, những nhà sáng tạo, đoàn làm phim có thể tự do sẻ chia, chào mời, giới thiệu và ký kết các dự án thì tốt quá...”.
Thấu hiểu với những khó khăn của nhà tổ chức giải, nghệ sĩ chia sẻ thêm: “Thương cho Hội Điện ảnh nhiều năm nay, kinh phí làm giải thưởng thấp quá nên chật vật để tổ chức mỗi năm một liên hoan phim vội vàng, bị động cả về thời gian, cơ sở vật chất và cả thời lượng phát sóng truyền hình. Tôi nghĩ, nên tổ chức giải ở những nơi mà các nhà nghiên cứu điện ảnh, sinh viên điện ảnh có thể gặp gỡ, xem phim, trao đổi, hội thảo, giới thiệu và bán các dự án. Và cũng không cần "ép" lên sóng trực tiếp toàn bộ chương trình với nhiều phần nghi thức rất thừa, trong khi phần quan trọng mà người xem muốn xem thì lại không thấy”.
Ý kiến của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được nhiều nghệ sĩ, người quan tâm đến điện ảnh chia sẻ. Hy vọng, ở tuổi 20, Cánh diều sẽ có thêm nhiều động lực, được “no gió” để biến những mong mỏi của các nghệ sĩ thành hiện thực, trở thành sân chơi nghiệp vụ quan trọng, nhiều ý nghĩa của người làm điện ảnh.