FAO: Thế giới ngày càng xa các mục tiêu phát triển bền vững
Trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, nhiều tiến bộ đối với các mục tiêu lương thực và nông nghiệp đã bị đình trệ hoặc đảo ngược, làm tăng thêm thách thức trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng, cũng như chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững tại thành phố New York (Mỹ).
Báo cáo nêu rõ, những năm gần đây, thế giới chứng kiến nhiều cú sốc khiến tiến trình thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững bị đình trệ hoặc thậm chí đảo ngược. Chúng bao gồm những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang trên toàn cầu, lạm phát cao, cùng với ảnh hưởng gia tăng của khủng hoảng khí hậu.
Các chỉ số phát triển bền vững về lương thực và nông nghiệp đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2022, 9,2% dân số thế giới đối mặt với nạn đói kinh niên, tăng so với mức 7,9% được ghi nhận năm 2015. Ước tính mới nhất của FAO cho thấy, số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở năm 2022 trong khoảng 691-783 triệu người.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Mặc dù tỷ lệ thấp còi đã giảm từ 26,3% năm 2012 xuống còn 22,3% vào năm 2022 nhưng mức giảm gần như không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu.
Tương tự, tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng đáng kể, tác động đến 29,6% dân số thế giới vào năm 2022 so với 25,3% ở năm 2019. Năm 2021, tỷ lệ quốc gia phải đối mặt với giá lương thực ở mức vừa phải đến cao bất thường là 21,5%, giảm so với mức cao kỷ lục 48% ở năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình 15,2% giai đoạn 2015-2019. Điều này phản ánh sự gia tăng liên tục trong giá lương thực, chủ yếu do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao.
Dựa trên dữ liệu từ 22 quốc gia, thiệt hại nông nghiệp do thiên tai đang gia tăng cả về tần suất và cường độ, lên mức 19,3 tỷ USD vào năm 2021. Tỷ lệ thực phẩm thất thoát sau thu hoạch ước tính ở mức 13,2% trên toàn cầu vào năm 2021, tăng so với 13% năm 2016.
Trong khi diện tích rừng trên thế giới tiếp tục giảm, tốc độ suy giảm đã chậm lại so với những thập kỷ trước, từ 31,9% năm 2000 xuống 31,2% ở năm 2020. Tuy nhiên, suy thoái đất vẫn là mối lo ngại lớn khi thế giới đã mất ít nhất 100 triệu hécta rừng và đất sản xuất ở giai đoạn 2015-2019.
Báo cáo kết luận, mục tiêu về một thế giới không còn nạn đói, suy dinh dưỡng và nền nông nghiệp bền vững vẫn trong tầm tay. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về lương thực và nông nghiệp, đòi hỏi các hành động phối hợp khẩn cấp và giải pháp chính sách bắt buộc để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp-thực phẩm, đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp bền vững và tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc.