Nâng tầm hạt gạo nhờ liên kết chuỗi
Với phương châm “không để một thửa ruộng nào bỏ hoang” và đưa đến người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (Hợp tác xã Đoàn Kết) xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa đã xây dựng và nhiều năm qua đã duy trì mối liên kết bền chặt với các nông hộ và các hợp tác xã khác trên địa bàn Hà Nội để phát triển chuỗi sản xuất gạo chất lượng cao, mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia.
Sản xuất hiệu quả, không bỏ ruộng hoang
Những năm gần đây, do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh của Thủ đô Hà Nội, nhiều cánh đồng sau khi thực hiện dự án còn lại nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt, khó canh tác và hiệu quả không cao. Nhiều hộ dân có đất nông nghiệp không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp truyền thống, dẫn tới nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Nhận thấy sự lãng phí của những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ không trên địa bàn xã Phương Tú, Hợp tác xã Đoàn Kết đã quyết định thuê lại của các nông hộ để gieo trồng giống lúa chất lượng cao Japonica giống J02 của Nhật Bản.
Là những người nông dân từ vùng quê lúa Ứng Hòa, với tinh thần tiên phong, trách nhiệm phát triển vùng sản xuất lúa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đoàn Kết Cao Thị Thủy là người đã tiên phong xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với quy trình sản xuất lúa chất lượng cao. Mô hình đã thực sự thay đổi tư duy của các nông hộ trong phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn. Không chỉ vậy, nông dân cho hợp tác xã thuê đất cũng trực tiếp được sản xuất trên diện tích cho thuê khoán.
Bên cạnh liên kết với người nông dân xã Phương Tú, Hợp tác xã Đoàn Kết còn “bắt tay” với một số hợp tác xã khác trên địa bàn Hà Nội để mở rộng diện tích. Trong 5 năm qua, Hợp tác xã Đoàn Kết đã thuê lại các diện tích bỏ hoang hóa của các hộ dân trên địa bàn 5 huyện, 12 thôn và 2.000 hộ dân để cải tạo thành cánh đồng lớn, với tổng diện tích 310ha.
Cụ thể, huyện Ứng Hòa (210ha), Thanh Oai (35ha), Mỹ Đức (30ha), Chương Mỹ (15ha) và thị xã Duy Tiên - Hà Nam (20ha). Tổng số tiền trả cho các hộ dân là hơn 2 tỷ đồng/năm, được bà con nông dân rất phấn khởi và những diện tích hoang hóa trước kia, nay đã trở thành các cánh đồng lớn, ngày càng màu mỡ hơn.
Đặc biệt, nhờ có liên kết, hỗ trợ từ các chuyên gia, ứng dụng máy móc thiết bị thông minh vào gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa và sản xuất ra gạo… nên năng suất lúa tăng hằng năm.
Liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ
Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sấy thóc theo dây chuyền hiện đại, công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại để đưa sản phẩm “Gạo chất lượng Khu Cháy” trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), được tiêu thụ theo chuỗi liên kết.
“Chúng tôi đầu tư hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc những hạt bị vỡ và tạp chất. Với dây chuyền này, hạt gạo bóng, đẹp, đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu”, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đoàn Kết Cao Thị Thủy nói.
Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo của Hợp tác xã Đoàn Kết, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, gạo của hợp tác xã mang thương hiệu Khu Cháy có tem nhãn, bao bì bắt mắt và được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nên người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thị trường mở rộng hơn.
Hiện, ngoài diện tích thuê đất của người dân để sản xuất, Hợp tác xã Đoàn Kết còn liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất với quy mô hơn 3.000ha lúa Japonica mỗi vụ, năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha; trung bình mỗi vụ Hợp tác xã Đoàn Kết sản xuất và tiêu thụ hơn 7.000 tấn gạo trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Nhờ có thương hiệu và liên kết chuỗi, giá bán gạo được cao hơn, gạo xuất hiện ở các kênh phân phối hiện đại.
“Hợp tác xã hiện đang liên kết với các doanh nghiệp xây dựng và quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo ở Hà Nội và phân phối đến các đại lý lúa gạo tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Tuy nhiên, hợp tác xã kỳ vọng “Gạo chất lượng Khu Cháy” sẽ được hỗ trợ, kết nối để có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Hà Nội hơn nữa, từ đó duy trì ổn định chuỗi giá trị cho hạt gạo và lợi ích của các hợp tác xã, người dân”, bà Cao Thị Thủy mong muốn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, huyện Ứng Hòa có 8.350ha trồng lúa; trong đó, các giống lúa chất lượng cao chiếm 67,9% tổng diện tích. Từ thành công trong xây dựng chuỗi liên kết, mở ra cơ hội để hạt gạo Ứng Hòa nâng tầm giá trị, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, tạo sự lan tỏa để nhiều nông sản khác trên địa bàn thành phố cùng tham gia xây dựng chuỗi.