Gia đình

Trẻ rất cần được sơ cứu tâm lý khi bị sang chấn, biến cố

Mai Hoa 15/09/2023 - 16:25

Chuyên gia tâm lý cho rằng, với những vụ việc hậu quả lớn như vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), cùng với sự hỗ trợ về vật chất, chăm sóc y tế, các nạn nhân rất cần được quan tâm sơ cứu tâm lý, giải tỏa cảm xúc, hỗ trợ tinh thần, tăng cường kết nối xã hội.

trao-doi-tai-chuong-trinh.jpg
Trao đổi giữa MC và diễn giả tại chương trình.

Ngày 15-9, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và Truyền hình Vì trẻ em VTV1 đã tổ chức chương trình truyền thông về "Nuôi dạy và đồng hành cùng con trẻ" với chủ đề “Trầm cảm”, trong đó nêu rõ quan điểm cần quan tâm đầy đủ đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Theo Tiến sĩ Tâm lý học, chuyên viên tâm lý học đường Nguyễn Thị Chính, vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12-9, với thương vong lớn, bao gồm nhiều nạn nhân trẻ em vẫn đang phải nằm điều trị tại các bệnh viện - thực sự là biến cố rất dễ gây nên sang chấn tâm lý. Nếu các em không sớm được can thiệp, rất dễ dẫn đến trầm cảm.

Bà Nguyễn Thị Chính nhấn mạnh: Với những vụ việc mang tính chất thảm họa, nhiều người trong cuộc cũng như người chứng kiến rất dễ bị tác động mạnh về tinh thần, dẫn đến rối loạn tâm lý. Chính vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc y tế, hỗ trợ về vật chất, các nạn nhân rất cần được sơ cứu tâm lý. Cụ thể, nạn nhân cần được dành nhiều thời gian, cần có người lắng nghe cảm xúc của họ, ở bên cạnh họ để được chia sẻ, giải tỏa cảm xúc. Nạn nhân cũng cần được hỗ trợ tinh thần và tăng cường kết nối người thân để giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực.

Trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia Nguyễn Thị Chính cũng có nhiều chia sẻ về tầm quan trọng của việc giúp trẻ em vượt qua e ngại, định kiến xã hội khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ hoạt động hỗ trợ tâm lý.

Theo đó, thầy cô, bố mẹ cần tăng cường phối hợp, quan sát, phát hiện kịp thời các biểu hiện tiêu cực của con em mình như: Mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên, căng thẳng, lo âu, mất tập trung, buồn bực, chán học, sợ học, bi quan, chán nản, có ý nghĩ muốn tự tử để được giải thoát… Nếu thấy dấu hiệu trẻ có tâm trạng buồn rầu, cáu kỉnh, tức giận, giảm hứng thú với mọi việc, người thân trong gia đình, các thầy cô cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với các em.

Một số biểu hiện khác cũng cần được quan tâm trong phòng, chống trầm cảm là rối loạn ăn uống (thèm ăn quá mức hoặc không thiết ăn), ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ thường xuyên; hay bị rơi vào trạng thái kích động quá mức, hoặc chậm chạp không thiết làm gì… Những trường hợp dễ mệt mỏi, mất năng lượng, khả năng tư duy, tập trung chú ý, trí nhớ giảm sút, dễ quên, khó đưa ra quyết định… đều cần được chú ý, hỗ trợ trẻ em vượt qua kịp thời…