Y tế

Thế giới có 5 người tử vong mỗi phút vì không được chăm sóc y tế an toàn

Thu Trang 15/09/2023 - 14:20

Đó là thông tin được đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 do Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 15-9 tại Bộ Y tế, kết nối trực tuyến đến 3.000 cơ sở y tế trên toàn quốc.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm, có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra do chăm sóc y tế không an toàn tại bệnh viện các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong. Mỗi phút qua đi, trên toàn cầu có 5 người tử vong vì không được chăm sóc y tế an toàn.

Chính vì vậy, WHO đã thống nhất chọn Ngày An toàn người bệnh thế giới 17-9 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.

ngay-an-toan-nguoi-benh-17-9.jpg
Quang cảnh lễ mít tinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh phải được thực hiện đồng bộ theo chuỗi. Đầu tiên là từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật cho người dân. Nếu không may họ bị bệnh thì phải tư vấn, hướng dẫn đến khám ở cơ sở y tế nào và vào thời điểm nào.

“Trước đây, một người đến khám tại một bệnh viện mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, họ phải đến bệnh viện từ rất sớm, xếp hàng chờ cả ngày mới được khám bệnh. Bây giờ, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, đặt lịch khám, người bệnh chỉ cần đến đúng giờ như đã hẹn. Nhờ đó, giảm được thời gian chờ đợi cho người bệnh và người nhà người bệnh; đồng thời, giảm tải cho bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, việc bảo đảm an toàn cho người bệnh dựa vào người thầy thuốc khám và chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác. Nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm, kịp thời sẽ khó được cứu chữa. Thậm chí, việc chẩn đoán muộn còn khiến bệnh nhân tử vong.

Không chỉ vậy, người bệnh cũng cần được chăm sóc toàn diện về tinh thần và về thuốc. Đơn cử như với một ca bệnh nặng, ngoài bác sĩ điều trị còn cần cả sự hỗ trợ của điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ tâm lý… Sau khi người bệnh ra viện, họ cũng cần được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe khi ở nhà.

Ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay tập trung vào 4 mục tiêu: Một là, nâng cao nhận thức toàn cầu về việc lắng nghe người bệnh, người nhà chia sẻ trải nghiệm và tâm tư của mình để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn hơn; hai là, thu hút sự quan tâm, lắng nghe của lãnh đạo các cấp, các nhân viên y tế, các đối tác y tế với hoạt động an toàn người bệnh; ba là, bảo đảm quyền của người bệnh được tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe, quá trình khám, chữa bệnh của chính mình; bốn là, vận động thể chế hóa Kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030.

Thông qua thông điệp “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh”, WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia cho phép người bệnh và người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám, chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn để cải tiến về chất lượng khám, chữa bệnh.