Xúc động thư thăm hỏi của Tổng Bí thư và phút mặc niệm của Thủ tướng
Hơn 24 giờ sau khi ngọn lửa bùng phát tại chung cư mini ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 56 người tử vong và 37 người bị thương được khống chế, cả thành phố tiếp tục có một ngày bộn bề cảm xúc.
Trong một ngày mưa rả rích kéo dài, công tác khắc phục hậu quả vẫn diễn ra thật khẩn trương, tình người sẻ chia vẫn vô cùng ấm áp, góp phần xoa dịu phần nào những nỗi đau không thể bù đắp với những người đã ra đi, và cả những người ở lại.
Các hoạt động cứu trợ, thăm hỏi, sẻ chia, kêu gọi ủng hộ dành cho người bị nạn và gia đình họ được các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân toàn thành phố đồng loạt tiến hành, hưởng ứng...
Nhưng cũng sau những phút chiến đấu mệt nhoài với ngọn lửa, sau khi tiếng còi cứu thương đã thôi dồn dập trên các con đường, chúng ta có dịp lắng lại để nhìn sâu hơn vào mất mát, đánh giá nghiêm khắc hơn những hạn chế về chính sách, con người… và cũng nhận ra thêm nhiều bài học.
Sáng nay, mở đầu Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo bộ, ban, ngành và các đại biểu dự hội nghị đứng nghiêm, cúi đầu, dành phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và lũ quét tại Lào Cai.
Chiều cùng ngày, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhận Thư thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thư, Tổng Bí thư bày tỏ “rất đau buồn” về vụ hỏa hoạn đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương.
Trong số 56 nạn nhân tử vong, có 7 người trong một gia đình ra đi cùng nhau; 6/7 học sinh trong một ngôi trường mãi mãi không còn được tung tăng với bạn bè, học sinh còn lại cũng mãi mãi không bao giờ được gặp bố mẹ và em trai… Những con số khủng khiếp ấy, không bao giờ chúng ta có thể lãng quên, cũng như những nỗi đau với người thân của 56 nạn nhân ấy mãi không thể chữa lành, sự mất mát với ít nhất 56 gia đình mãi không thể bù đắp…
Những người có liên quan đến vụ cháy chắc chắn sẽ phải gánh chịu hình phạt trước pháp luật. Một cá nhân đã bị bắt. Một giấy phép xây dựng đã cho thấy sự sai phạm nghiêm trọng trong trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như từ cả chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát công trình này.
Khi một vụ cháy xảy ra, chúng ta đều đi tìm nguyên nhân, và nguyên nhân đầu tiên thường được gọi tên là về hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, phương tiện phòng cháy, chữa cháy chỉ là phương pháp sử dụng chủ động thứ cấp, còn khi hoảng loạn, người ta cần lối thoát hiểm.
Việc duy trì một hệ thống phòng cháy, chữa cháy tốt cần rất nhiều tiền, trong khi đó, ý thức của người sử dụng lại là thứ không mất tiền, nhưng góp phần rất lớn trong hạn chế rủi ro và giảm thiệt hại.
Việc quản lý đô thị, từ đăng ký kinh doanh, cấp phép đến kiểm tra, giám sát... nếu được thực hiện tốt, sẽ không có những ngôi nhà xây sai phép hay vi phạm quy định pháp luật; trong khi cũng không làm phát sinh thêm chi phí cho bộ máy nếu các cơ quan chức năng chấp hành và thực thi đúng trách nhiệm, công việc của mình.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, chi phí cho phòng cháy, chữa cháy dù có lớn, nhưng có thể sẽ thật vô nghĩa, thậm chí không hiệu quả, nếu quy hoạch đô thị không bảo đảm được việc hút dân ra khỏi nội đô, nếu những chung cư cao tầng, những ngôi nhà ken đặc người vẫn tiếp tục mọc lên.