Huyện Sóc Sơn tăng cường kỷ luật, kỷ cương giải quyết công việc trong hệ thống chính trị
Ngày 14-9, Đảng bộ huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 154-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Nam Hà đã truyền đạt hai nội dung này. Đồng chí Nguyễn Nam Hà cho biết, kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung Chỉ thị số 24 và bám sát tình hình thực tiễn cũng như các yêu cầu, nhiệm vụ của huyện. Huyện ủy đã cụ thể hóa thành các nhóm nội dung, nhiệm vụ trong hệ thống chính trị huyện cần triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo quy định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Bùi Duy Cường nhấn mạnh, việc Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24, Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 154 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong giải quyết công việc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tạo sự thống nhất về ý chí, hành động để gương mẫu, tự giác thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên mỗi cương vị công tác. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của huyện.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24 của Thành ủy, Kế hoạch số 154 của Huyện ủy, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của 2 nội dung này tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức...
Trong quá trình thực hiện phải đoàn kết, cầu thị, lắng nghe, học hỏi đồng nghiệp, người có kinh nghiệm công tác, cần thiết tham vấn cơ quan chuyên môn, nhất là những việc mới, việc khó; tập trung thời gian, tâm huyết, trách nhiệm đến cùng với công việc, với cơ quan, đơn vị. Đồng thời, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đối với các biểu hiện vi phạm mà Chỉ thị số 24 của Thành ủy đã chỉ ra; hằng tháng có đánh giá, chấm điểm cán bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công.