Phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở giết mổ công nghiệp
Các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện chiếm tỷ lệ rất thấp so với số lượng cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Song, với những dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, từ cung ứng con giống đến sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở này là nơi cung cấp một lượng lớn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn
Theo ông Mr.Voraset Ranvongsanithichot, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh nhà máy 3 tại Hà Nội, hiện nhà máy giết mổ lợn của công ty tại Hà Nội được thiết kế xây dựng với công suất 2.000 con lợn/ngày. Hiện tại, công suất thực tế của nhà máy mới đạt được 25%. Trung bình một ngày sản lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường khoảng 40-45 tấn.
Trong quá trình giết mổ, lợn, gia cầm được treo trên băng chuyền, không tiếp xúc với nền, sàn, giúp hạn chế tối đa việc nhiễm bẩn sản phẩm. Nhiệt độ trong môi trường khu vực sản xuất luôn được kiểm soát tối ưu để bảo đảm tốt nhất cho sản phẩm thịt. Hằng ngày, sau mỗi ca sản xuất, toàn bộ nhà xưởng đều được vệ sinh, sát khuẩn một cách cẩn thận, chi tiết, đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, sản phẩm thịt từ nhà máy được vận chuyển tới khách hàng bằng xe chuyên dụng, có thùng kín và máy lạnh, nhằm mang tới người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh Bùi Quang Vinh, năm 2012, nhà máy chế biến thịt tươi sạch ra đời với quy mô lớn bậc nhất tại khu vực miền Bắc. Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc, phục vụ cho công tác giết mổ, chế biến thịt lợn được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc với công suất từ 600 đến 1.000 con lợn/ca, bảo đảm khoa học, hiện đại. Hệ thống kho lạnh được thiết kế chuyên nghiệp, nhập khẩu từ Đức, công suất 500 tấn/ngày.
Ngoài ra, để bảo đảm thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh, 100% số thịt sạch của công ty được phân phối đến các siêu thị, đại lý bằng ô tô chuyên dùng có hệ thống lạnh.
Đánh giá về hệ thống giết mổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Quang cho biết, hiện toàn thành phố có 726 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai đang hoạt động. Nhìn chung, các cơ sở giết mổ công nghiệp, như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh... không chỉ bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, mà còn cung cấp ra thị trường một lượng lớn thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm tra chất lượng và quản lý được sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Đưa việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đi vào nền nếp
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại, theo ông Mr.Voraset Ranvongsanithichot, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh nhà máy 3 tại Hà Nội, công ty vẫn còn gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, dây chuyền giết mổ, hệ thống kho, xử lý môi trường... rất lớn, làm cho giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh về giá.
Do thói quen tiêu dùng thích thịt nóng của người tiêu dùng và mới chỉ có rất ít (theo đánh giá phân tích chưa tới 5%) người tiêu dùng hiểu về bản chất cũng như lợi ích an toàn thực phẩm của thịt lợn mát giết mổ bằng dây chuyền công nghiệp.
Để có thể cung cấp nhiều thực phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng, trong thời gian tới, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tiếp tục kết hợp với đối tác là các hộ dân kinh doanh, xây dựng hệ thống cửa hàng bán thịt lợn có tủ mát, tươi, sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: CP Porkshop, CP Freshshop, CP Freshmart ở hầu hết các tỉnh, thành phố với mong muốn mang tới cho người tiêu dùng sản phẩm thịt có chất lượng cao, qua đó thay đổi thói quen từ dùng thịt lợn nóng sang sử dụng thịt lợn bảo quản mát, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Công ty cũng hợp tác cung cấp sản phẩm thịt gia súc, gia cầm CP đến với hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đi vào nền nếp, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với những cơ sở giết mổ, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có biện pháp mạnh mẽ với các cơ sở này; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch…
Để các nhà máy giết mổ công nghiệp phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu cho thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố phù hợp với đặc thù phát triển của Thủ đô.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình xây dựng dự án giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm tiến độ. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, trang bị kiến thức cho những người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm một cách thường xuyên, liên tục, giúp nâng cao ý thức và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm an toàn và bảo đảm trong các bữa ăn hằng ngày.