Lương - Bảo hiểm

3% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế

Hà Hiền 13/09/2023 - 18:14

Cả nước còn gần 3% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, tập trung chủ yếu ở nhóm sinh viên từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Ngày 13-9, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin rõ hơn về những quyền lợi và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên.

bhyt-hoc-sinh-sinh-vien.jpg
Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi.

Theo BHXH Việt Nam, học sinh, sinh viên chiếm hơn 1/5 dân số cả nước, đóng vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế, việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT ở nhóm đối tượng này vừa góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, vừa chủ động chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Nhằm thu hút học sinh, sinh viên tham gia chính sách, các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tính ưu việt, nhân văn của chính sách; đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên có thể đi khám, chữa bệnh ở nơi gần nhất.

Về mức đóng, học sinh, sinh viên là đối tượng được kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 30%, còn người tham gia đóng 70%. Ngoài mức hỗ trợ chung, nhiều tỉnh, thành phố cân đối nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Năm 2022, cả nước có 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên. Nổi bật là tỉnh Hà Giang hỗ trợ 70% mức đóng; tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ 30% mức đóng; tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 20-30% mức đóng, tùy theo từng nhóm đối tượng. Các tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng gồm có: Bắc Kạn, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc…

Đáng ghi nhận, một số tỉnh, thành phố hỗ trợ riêng mức đóng BHYT học sinh, sinh viên đối với các trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 100%, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên là người khuyết tật; tỉnh An Giang, Lâm Đồng hỗ trợ 70% đối với học sinh là người dân tộc thiểu số; tỉnh Bình Phước hỗ trợ 70% đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Tham gia chính sách và sử dụng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh, nhiều học sinh, sinh viên đã được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Thấy rõ ý nghĩa của tấm thẻ an sinh, năm học 2022-2023 vừa qua, cả nước có hơn 18,8 triệu học sinh, sinh viên có trên hệ thống BHYT, đạt tỷ lệ hơn 97%. Đáng chú ý, một số địa phương (Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình…) đã đạt tỷ lệ bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Dù nhận được sự quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt và được hưởng nhiều quyền lợi, nhưng đến thời điểm này, nước ta vẫn còn gần 3% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Đối tượng chưa tham gia tập trung chủ yếu ở nhóm sinh viên từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Lý do chủ yếu là vì, có những người còn chủ quan vì thấy bản thân ở độ tuổi trẻ, sức khỏe tốt, ít bị ốm đau, bệnh tật, nên chưa trang bị thẻ BHYT làm “phao cứu sinh” phòng trường hợp không may gặp rủi ro.

Kiên trì thực hiện mục tiêu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, năm học 2023-2024, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, thành phố, ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên cho từng trường học; coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua.

Trong khi đó, ngành BHXH tăng cường truyền thông về BHYT, chú trọng các hình thức truyền thông hiện đại qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến, livestream...