Đưa ngành dịch vụ Logistics vùng Đông Nam Bộ “cất cánh”
Chiếm 46% doanh nghiệp logistics của cả nước và đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa, ngành Logistics vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển vượt trội so với cả nước. Tuy nhiên, xét về tổng thể, ngành vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra…
Nhiều điểm nghẽn
Theo thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vùng Đông Nam Bộ có gần 15.000 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp.
Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dù vậy, hiện nay, vùng Đông Nam Bộ còn bộc lộ nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển của ngành Logistics. Theo phản ánh của Giám đốc Công ty TNHH vận tải hàng hóa Lâm Vinh (vận chuyển hàng hóa container tại cảng Cát Lái) Lâm Đại Vinh, đường Nguyễn Thị Định – Đồng Văn Cống vẫn gần như “độc đạo” ra vào cảng Cát Lái, trong khi lượng xe container, xe tải hoạt động ra vào cảng hàng ngày lên đến hàng chục ngàn lượt. Với vai trò là cảng container lớn nhất cả nước, tình trạng hạ tầng đường bộ quá tải, thiếu tính kết nối như hiện nay đã kìm hãm sự phát triển của ngành Logistics.
Tương tự, tại cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rơi vào cảnh thiếu kết nối về hạ tầng. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vina Logistics - VNL (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) Phạm Thị Bảo Hạnh cho hay, dù cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư hạ tầng bến cảng hiện đại nhưng lại chưa đáp ứng được về hạ tầng đường sá kết nối, thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng container, cảng cạn (ICD)..., kéo theo chi phí logistics cao, giảm sức cạnh tranh.
Nói rõ hơn về hạn chế, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Đặng Vũ Thành cho biết, vùng Đông Nam Bộ chưa có các trung tâm logistics lớn. Điều đáng nói, hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD, kho lạnh… Mặt khác, tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Sớm thực hiện các giải pháp
Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) Nguyễn Xuân Kỳ cho rằng, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối vùng; đồng thời, sớm hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép – Thị Vải. Bên cạnh đó, tháo gỡ về mặt thủ tục hành chính liên quan tới các vướng mắc trong lĩnh vực logistics, qua đó có thể giải phóng nhanh hàng hóa cho xuất khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về phía địa phương, tỉnh Bình Dương hiện đang nổi lên là địa phương thu hút các dự án lớn của các tập đoàn tầm cỡ thế giới. Đơn cử, Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã chọn Bình Dương đầu tư và xây dựng dự án có quy mô 75ha tại thành phố mới Bình Dương gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho hàng không nối dài, kho thương mại điện tử xuyên biên giới - kho phân đôi, kho ngoại quan… liên doanh.
Cuối năm 2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã khởi công nhà máy thứ 6 trên thế giới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3). Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo dự án của Tập đoàn Lego tại Việt Nam Preben Elnef chia sẻ, Lego chọn Bình Dương cũng bởi những lợi thế về logistics, đây cũng là một thế mạnh để tập đoàn tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Đông Nam Á và xuất khẩu sang các khu vực khác.
Cùng xu thế đó, Tập đoàn A.P Moller Maersk cũng đang có kế hoạch đầu tư mới về kho bãi, trung tâm logistics quy mô lớn phục vụ cho hoạt động lâu dài ở Bình Dương. Tập đoàn A.P Moller Maersk là nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp lớn nhất đến từ Đan Mạch, hoạt động trên khắp 130 quốc gia. Maersk Việt Nam thành lập từ năm 1991, cũng là công ty logistics đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho hay, tỉnh đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ Logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài.
Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành Logistics thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.
Để đưa ngành Logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics quy mô hơn 750ha. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ hiện đã giao thành phố trình đề án cảng Cần Giờ vào quý 4-2023.
Trong đó, với dự án xây dựng “siêu cảng” Cần Giờ có công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái (khoảng gần 17 triệu TEUs), thành phố đặt mục tiêu đưa cảng này trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh logistics có thương hiệu về cảng; sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, để phát triển ngành Logistics thành phố nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng logistics; ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến sử dụng dịch vụ logistics; hợp tác, liên kết vùng và hoàn thiện cơ chế, chính sách.