Thế giới

Israel: Tòa án Tối cao sẽ xem xét những kiến nghị phản đối cải cách tư pháp

Dương Thùy 11/09/2023 - 22:29

Theo DW ngày 11-9, sau 9 tháng người dân biểu tình chống lại cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi của Chính phủ Israel, Tòa án Tối cao sẽ xem xét các kiến ​​nghị phản đối đạo luật này, dự kiến vào ngày 12-9.

bieutinh.jpg
Người Israel đã phản đối việc cải tổ tư pháp trong 9 tháng qua.

Vào ngày 24-7-2023, Chính phủ liên minh cực hữu đã thông qua dự luật cải cách tư pháp, với 64 phiếu thuận, 0 phiếu chống trong Quốc hội Israel. Không có phiếu chống lại việc sửa đổi vì phe đối lập đã bước ra khỏi phòng Quốc hội để phản đối.

Đây là sửa đổi sẽ hạn chế khả năng của Tòa án Tối cao trong việc vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ, các bộ trưởng và quan chức được bầu bằng cách tước bỏ quyền của các thẩm phán khi cho rằng các quyết định đó là “không hợp lý”.

Hiện tại, tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp, nếu cho rằng nó "thiếu hợp lý" hoặc chưa được cân nhắc đầy đủ, kể cả trường hợp quyết định đó không vi phạm pháp luật.

Những người ủng hộ nói rằng, điều này sẽ cho phép quản trị hiệu quả hơn trong khi vẫn để lại cho tòa án những tiêu chuẩn kiểm tra pháp lý khác, chẳng hạn nguyên tắc cân bằng - hợp lý, vốn là nguyên tắc cơ bản trong các hệ thống nguyên tắc pháp lý chung. Ngược lại, những người phê phán lập luận cho rằng, nếu không có các biện pháp kiểm soát và cân bằng dựa trên cơ sở Hiến pháp sẽ mở cánh cửa cho tham nhũng lẫn lạm dụng quyền lực.

Sau cuộc bỏ phiếu, một số nhóm xã hội dân sự, và các đảng đối lập đã đệ đơn lên Tòa án Tư pháp Tối cao để phản đối việc sửa đổi. Tòa án cao nhất ở Israel sẽ xem xét những kiến ​​nghị này vào ngày mai.

Phiên điều trần dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp được truyền thông Israel mô tả là "chưa từng có" vì lần đầu tiên tất cả 15 thẩm phán đều tham dự. Thông thường, hội đồng xét xử bao gồm từ 3 đến 9 thẩm phán. Sự tham dự đầy đủ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Cơ quan tư pháp sẽ phải quyết định xem có nên hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao hay không.

Theo các nhà phân tích, phán quyết sẽ được đưa ra sau Ngày lễ trọng đại của người Do Thái, bắt đầu vào giữa tháng 9 hoặc trước khi bà Esther Hayut Hayut nghỉ hưu với tư cách là Chủ tịch Tòa án Tối cao vào giữa tháng 10.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu tòa án vô hiệu hóa sự sửa đổi trên và chính phủ không tôn trọng phán quyết thì có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.