Văn nghệ

“Dư âm” - một tình khúc đẹp

Hà Phong 11/09/2023 - 11:11

Thời kỳ đầu tân nhạc, năm 1950, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác “Dư âm”. Lời ca thật đẹp: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió/ Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời”…

du-am.jpg

Về bài hát này, Nguyễn Văn Tý tâm sự: Khoảng năm 1948-1950, ông đến chơi nhà người bạn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Gia đình bạn có 2 người con gái, cô chị 22 tuổi, cô em mới tròn 16. Người bạn có ý mai mối cô chị cho ông, nhưng ông lại thầm xao xuyến đôi mắt đen tròn lay láy của cô em. Một lần, khi ông cùng bạn ngồi chuyện trò ngoài sân, chợt thoáng thấy cô em ngồi hong tóc bên thềm với làn tóc dài bay nhẹ dưới ánh trăng, rồi cô ôm đàn khе khẽ hát. Hình ảnh đó khiến ông xúc động, bâng khuâng.

Trở về đơn vị, ngay đêm hôm ấy ông hoàn thành ca khúc “Dư âm” với giai điệu và lời ca tha thiết: “Anh muốn thành mây, nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng”. Chắc cảm xúc phải mãnh liệt lắm thì Nguyễn Văn Tý mới có thể cất lên những lời ca tựa như định mệnh: “Hẹn еm từ muôn kiếp trước/ Nhớ еm mấy thuở bạc đầu/ Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn/ Em để cung đàn đưa anh về đâu?”.

Tình khúc "Dư âm" du dương, bay bổng, đẹp cả về giai điệu và lời ca. Những năm cuối đời, Nguyễn Văn Tý chia sẻ: “Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái 16 tuổi ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu và yêu cái dư âm đó thôi, mà dư âm thì còn mãi mãi”. Hơn 70 năm qua, “Dư âm” vẫn được đông đảo người yêu nhạc trữ tình mến mộ, thường được trình diễn trong các chương trình tình khúc vượt thời gian

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1925-2019) quê gốc Sóc Sơn, Hà Nội nhưng sinh tại Nghệ An. Sáng tác của ông dù ở đề tài nào cũng thấm đẫm âm hưởng dân gian và chứa chan tình cảm. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật với chùm tác phẩm: "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre".