Nhân rộng mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả
Xây dựng “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” là mô hình được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đang triển khai gắn với việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố. Mô hình bước đầu có kết quả tích cực, góp phần gìn giữ nét đẹp của chợ truyền thống và nhân lên hình ảnh người phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch.
Chợ ngày càng văn minh, an toàn, hiệu quả
Hà Nội hiện có hơn 400 chợ với hơn 90.000 hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ tiểu thương. Tháng 12-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã triển khai mô hình điểm “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” tại một số địa bàn. Mô hình nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, bước đầu nâng cao nhận thức về văn minh thương mại cho tiểu thương, cán bộ, hội viên phụ nữ.
Nếu như trước đây một số người dân còn tâm lý e dè khi vào chợ Thái Hà (quận Đống Đa) vì ngại hỏi giá cả, sợ bị nói thách, thì giờ đây, nét văn hóa ứng xử “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đã được 100% chị em hội viên Chi hội phụ nữ chợ Thái Hà tích cực thực hiện.
Hằng ngày, chị Nguyễn Phương Anh (phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa) đều có thói quen đi chợ Thái Hà mua hàng. Chị Phương Anh cho biết: “Không chỉ sạch hơn, thoáng hơn, mà đa số các gian hàng đều niêm yết giá, in mã QR để bà con tiện thanh toán tiền khi mua, tôi đi chợ mà không cần mang ví. Các tiểu thương thì nhẹ nhàng, niềm nở, không khí thật sự văn minh hơn trước nhiều”.
Chị Lương Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ chợ Thái Hà chia sẻ, từ khi ra mắt mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, bà con tiểu thương rất phấn khởi. Không chỉ tạo được niềm tin về chất lượng sản phẩm, thái độ gần gũi, thân thiện của các tiểu thương với khách hàng cũng được lan toả.
Còn tại huyện Gia Lâm, mô hình trên được triển khai thực hiện từ đầu năm 2023 tại 3 chợ. Là tiểu thương kinh doanh tại chợ Đông Dư (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh cũng như nhiều tiểu thương khác đã ký cam kết tham gia xây dựng “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”. Cửa hàng kinh doanh thực phẩm của chị Thanh hằng ngày có hàng trăm lượt khách đến mua hàng. Dù vất vả nhưng chị vẫn vui vẻ, cởi mở và luôn giữ uy tín với khách hàng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh cho biết, huyện Gia Lâm đang trong lộ trình xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập quận, vì vậy, các mô hình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được chú trọng. Triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, các cấp Hội đã tổ chức nhiều cao điểm tuyên truyền, vận động nữ tiểu thương tham gia. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, các chị em đã đăng ký công trình, phần việc cải tạo cảnh quan môi trường chợ sạch đẹp, trang trí cây xanh; hạn chế sử dụng túi ni lông trong bao gói hàng hóa… Qua đó, cụ thể hóa việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng…
Nhân rộng mô hình
Với những kết quả đạt được sau khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mô hình này tại 35 chợ truyền thống ở các quận, huyện, thị xã. Ngoài những tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, thì ý thức văn minh trong thương mại của tiểu thương là yếu tố quyết định hàng đầu.
Cũng là đơn vị triển khai điểm mô hình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Trì Phạm Thị Bích Thủy cho biết, cùng với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tháng 5-2023, Hội đã tổ chức ra mắt mô hình điểm chợ Liên Ninh văn minh, an toàn, hiệu quả; ký cam kết với các tiểu thương và hộ kinh doanh trong, ngoài chợ về thực hiện xây dựng mô hình; đồng thời phát động nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Đến nay, Hội cơ sở đã ra mắt thêm 2 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” tại các xã Tứ Hiệp, Thanh Liệt.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân cho hay: “Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ quận tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Quận ủy, UBND quận chỉ đạo chính quyền các phường cùng lực lượng chức năng bảo đảm văn minh đô thị tại các chợ đang thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”; đồng thời tiến tới nhân rộng mô hình tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn quận”.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ: Để nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” đạt mục tiêu, thời gian tới cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần chú trọng truyền thông tới người bán và người mua, lựa chọn những phần việc phù hợp để huy động sức mạnh của toàn xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh; xây dựng hình ảnh đẹp của các nữ tiểu thương, góp phần thực hiện thành công hơn nữa việc đưa bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố vào đời sống.