Lòng tốt ở muôn nơi
Điều khiến độc giả lay động khi đọc tiểu thuyết “Khu tập thể Hạnh Phúc” của tác giả Cho Chang - In là niềm tin về lòng tốt và sự tử tế luôn có mặt ở khắp nơi. Ở đó, cuộc sống như một chuyến đi dài với những cuộc gặp biết bao người tốt...
Nội dung cuốn sách xoay quanh cuộc sống của cậu bé Dong Dong hiền lành, ngoan ngoãn và thân thiện. Cậu là người rất nhạy cảm, sâu sắc, có óc quan sát của người lớn.
Trong những chương đầu tiên, tác giả hoàn toàn không tiết lộ lý do vì sao Dong Dong phải xa mẹ, hiện tại mẹ cậu bé đang làm gì, tình trạng thật sự như thế nào, tác giả chỉ để người mẹ ấy xuất hiện đầy úp mở thông qua những lá thư. Ngày qua ngày, Dong Dong lớn lên trong nỗi nhớ và niềm mong ngóng mẹ sẽ trở về. Thỉnh thoảng cậu cảm thấy bất lực, tuyệt vọng vì khao khát được sống trong vòng tay mẹ quá lớn nhưng chẳng thể thành hiện thực. Tuy nhiên, hiếm khi Dong Dong phơi bày cảm xúc thật của mình cho những người xung quanh biết.
Với cậu, bà Vẹo, chị An, chú Ai Ưa, Chị Noh, ông lão bán bánh cá cùng sống trong khu chung cư cũ tuy chỉ là hàng xóm nhưng lại thân thiết còn hơn ruột thịt. Mỗi người vốn dĩ đã có những “vết sẹo”, những nỗi buồn riêng, ai cũng cần được động viên, an ủi nên không có lý gì Dong Dong lại làm mọi người thêm suy tư, lo lắng về chuyện của mình.
Dong Dong rất tự hào về nơi mình sinh sống, cậu tự đặt tên cho khu chung cư cũ ấy là khu nhà hạnh phúc. Trong đại gia đình ở khu tập thể, người la mắng Dong Dong nhiều nhất là bà Vẹo, thế nhưng người thương yêu, gắn bó với cậu nhiều nhất cũng chính là bà Vẹo, “người ta sẽ luôn có trách nhiệm với những gì mình đã thuần hóa”.
Mặc dù nội dung "Khu tập thể Hạnh Phúc" chỉ xoay quanh diễn biến suy nghĩ của một cậu bé lên mười, thế nhưng độc giả khó có thể rời mắt khỏi trang viết bởi bút pháp đa dạng của tác giả Cho Chang - In.
Ngoài văn phong nhẹ nhàng xuyên suốt, tác giả còn dày công xây dựng tình huống cao trào. Và, tất cả những mâu thuẫn, kịch tính ấy chính là phông nền giúp cho tình cảm, sự chở che, chăm sóc đùm bọc nhau trong “Khu tập thể Hạnh Phúc" càng nổi bật, ngời sáng. Tại mỗi chương, tác giả trích một câu nói trong cuốn “Hoàng tử bé” rồi phân tích nó dưới con mắt của cậu bé Dong Dong khiến câu chuyện trở nên sâu sắc, bay bổng hơn.
Có một “bí kíp” được Cho Chang - In triển khai, đó là lồng ghép tài tình hơi hướng trinh thám vào câu chuyện nhằm kích thích, khêu gợi trí tò mò, tưởng tượng của độc giả về cuộc đời và lý do rời bỏ con trai đầy bí ẩn của mẹ Dong Dong. Cuối truyện, bức màn được vén, mẹ cậu xuất hiện, Dong Dong hồi sinh để lần nữa được trọn vẹn sống trong hạnh phúc.
Đi hết gần 400 trang sách, những nụ cười đã nở, nhiều giọt nước mắt đã rơi, nhưng sau cùng, thông điệp ý nghĩa nhất mà cuốn sách lan tỏa vẫn là tình yêu thương giữa người và người. Không chỉ với Dong Dong, mà với bất kỳ ai, nếu đủ kiên nhẫn để mở lòng thì ở đâu ta cũng gặp người tốt. Như lời mà Dong Dong được dạy: “Là người, ai cũng như ai, nếu cảm nhận được tình cảm yêu thương từ những người xung quanh thì chúng ta sẽ có sức mạnh để tiếp tục cố gắng sống”.