Hội nghị Thượng đỉnh G20: Chưa đạt thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ), các nhà lãnh đạo vẫn chưa thể đồng thuận về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gây nhiều tác động nghiêm trọng đến khí hậu toàn cầu.
Theo ABC News, các lãnh đạo G20 đã đạt đồng thuận về kế hoạch tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và nỗ lực tăng kinh phí ứng phó những thảm họa thiên nhiên liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp báo ngay sau khi các nhà lãnh đạo G20 công bố thỏa thuận, Amitabh Kant, quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ chịu trách nhiệm một số cuộc đàm phán tại hội nghị, nhận định thỏa thuận là bước tiến đầy tham vọng đối với những nỗ lực ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia về khí hậu và năng lượng cũng có chung nhận định, đánh giá thỏa thuận là một thông điệp mạnh mẽ về khí hậu trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự gia tăng của những thảm họa thiên nhiên.
Đáng chú ý, thỏa thuận còn được đánh giá sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận đầy tham vọng về khí hậu tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu COP28 sẽ diễn ra tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào cuối năm 2023.
Bất chấp những tín hiệu tích cực, những chính sách hiện tại đối với nhiên liệu hóa thạch vẫn được giữ nguyên, đồng nghĩa với việc G20 chưa thể đạt thỏa thuận về loại bỏ dần loại nhiên liệu này.
Đại diện Mạng lưới Hành động khí hậu quốc tế (CANI) cho biết, tuyên bố của 20 quốc gia thải ra 80% lượng khí thải toàn cầu là một tín hiệu mạnh mẽ đối với những tiến bộ về khí hậu nhưng vẫn bỏ qua nguyên nhân sâu xa là sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo của Global Energy Monitor, tổ chức theo dõi nhiều dự án năng lượng toàn cầu, G20 đang vận hành 93% nhà máy điện than trên toàn thế giới và 88% nhà máy điện than mới được đề xuất vẫn chưa áp dụng công nghệ thu giữ khí thải carbon.