Góc nhìn

Nâng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Quỳnh Anh 10/09/2023 - 06:47

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

Quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, trong đó có văn bản được ban hành chỉ sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội 14 ngày.

Với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của Quốc hội, Chính phủ, hoạt động xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặt cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, trong qua trình xây dựng hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, nhược điểm, trong đó đáng chú ý là một số văn bản pháp luật chưa bảo đảm chất lượng, xa rời thực tiễn.

Tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 6-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển”.

Văn bản pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Một văn bản pháp luật chất lượng, phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân sẽ tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, nếu văn bản kém chất lượng được ban hành sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây cản trở sự phát triển của xã hội. Vì vậy, kết luận hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu: “Cần chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp”.

Để làm được điều này, đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức. Trong đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị có chức năng xây dựng pháp luật và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thẩm định văn bản. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân tham mưu, soạn thảo, thẩm định và ban hành quy phạm pháp luật không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ làm công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có trình độ, kinh nghiệm, có khả năng phân tích và đánh giá tác động của văn bản.

Nước ta đã có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu rõ nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bám sát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật và sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, chắc chắn chúng ta sẽ không còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng, xa rời thực tiễn, vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, khoa học, bảo đảm chất lượng sẽ là cơ sở hoàn thành những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.