Cải cách hành chính

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo: Hình thành nhận thức mới về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm

Hà Vũ thực hiện 10/09/2023 - 06:43

Ngày 7-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, Chỉ thị số 24-CT/TU đã và đang tạo ra nhận thức mới về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ...

uy-vien-ban-thuong-vu-thanh.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Vào cuộc khẩn trương, nhân dân ủng hộ

- Đồng chí có thể cho biết về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU trên địa bàn thành phố Hà Nội?

- Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đời sống và đòi hỏi nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Chỉ thị được xây dựng công phu, bảo đảm từng nội dung chỉ đạo có sự thống nhất cao về cả nhận thức và hành động, có sức nặng chế tài và bảo đảm 5 dễ: “Dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát”. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành đồng thời Kế hoạch tổ chức thực hiện (Kế hoạch số 171-KH/TU), bảo đảm đi liền với Chỉ thị là phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành để tổ chức thực hiện ngay.

Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức thành công hội nghị quán triệt Chỉ thị, với hơn 23.000 cán bộ, đảng viên tham dự, tạo chuyển biến lớn về nhận thức và hành động. Cơ bản các chi bộ đã quán triệt nội dung Chỉ thị tại buổi sinh hoạt đầu tháng 9. Chỉ thị được công bố công khai trên phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử thành phố để tất cả hơn 47 vạn đảng viên nghiên cứu, thực hiện...

Chỉ thị số 24-CT/TU đã và đang tạo ra nhận thức mới trong hệ thống chính trị về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm. Không khí vào cuộc triển khai ngày càng khẩn trương. Các kế hoạch thực hiện thực chất, nghiêm túc. Dư luận báo chí và nhân dân đều rất ủng hộ, cho rằng Chỉ thị ban hành đúng, trúng, kịp thời, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính.

- Ưu điểm và hạn chế trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU là gì, thưa đồng chí?

- Một tháng là khoảng thời gian chưa đủ để đánh giá một cách thấu đáo về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chỉ thị. Bước đầu có thể thấy, khối quận, huyện, thị xã đã chủ động thực hiện như huyện Đông Anh họp bàn kế hoạch thực hiện Chỉ thị trước cả hội nghị quán triệt toàn thành phố. Chỉ hơn một ngày sau hội nghị thành phố, Huyện ủy Đông Anh đã ban hành đầy đủ các văn bản triển khai. Hay như quận Long Biên, không chỉ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, Quận ủy Long Biên còn ban hành thêm kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ về Chỉ thị số 24-CT/TU...

Tuy nhiên, ở khối các sở, ngành sự chuyển động lại chưa mạnh mẽ, rõ nét; chắc chắn phải được quan tâm thêm. Việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ở các sở, ngành là rất quan trọng bởi đây là các cơ quan tham mưu giải quyết nhiều công việc của người dân, doanh nghiệp, liên quan trực tiếp đến chỉ số cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh, quản trị của thành phố, đo lường mức độ hài lòng của người dân...

Chúng tôi cũng đang theo dõi, nắm tình hình thực hiện ở các cấp, các ngành; không loại trừ có hiện tượng né tránh trách nhiệm ngay trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị, thậm chí có cả thực hiện kiểu đối phó...

t2-kmcn.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” do Huyện ủy Chương Mỹ tổ chức, tháng 9-2023. Ảnh: Hoàng Tình

- Với Chỉ thị số 24-CT/TU thì kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay là rất cần thiết giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương học hỏi, vận dụng. Đồng chí có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện Chỉ thị?

- Mỗi nơi lựa chọn cách làm riêng sao cho phù hợp, làm sao đạt được mục tiêu, đó là giúp cho công việc phải chạy, người dân phải được nhờ.

Đến nay, chúng tôi thấy cách làm, cách tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU như của huyện Đông Anh là khá bài bản, thực chất có thể tham khảo, học hỏi tốt. Tất cả các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị đều do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành, qua đó bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị. Cụ thể, Huyện ủy Đông Anh ban hành đồng thời 3 văn bản: Một là Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị; hai là kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị có phân công, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể; ba là kế hoạch kiểm tra, giám sát về trách nhiệm thực hiện Chỉ thị gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đáng chú ý là cán bộ chủ chốt, các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành cấp ủy Đảng đều phải có chương trình hành động, cam kết thực hiện Chỉ thị.

Điều chuyển người đứng đầu để công việc chậm, muộn

- Điều đặc biệt ở Chỉ thị số 24-CT/TU là được ban hành kèm theo phụ lục “Gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố” với 25 biểu hiện cụ thể theo 3 nhóm. Làm thế nào để phụ lục này phát huy hiệu quả, thưa đồng chí?

- Việc ban hành thêm phụ lục này là nét mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy. Đối với cá nhân, những biểu hiện này có tác dụng như tấm gương giúp mỗi người tự soi, tự sửa hằng ngày. Đối với các cơ quan, đơn vị, đây là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đối chiếu, phát hiện, nhắc nhở, nhận xét, đánh giá và thi hành kỷ luật cá nhân vi phạm.

- Chỉ thị nhấn mạnh tới công tác cán bộ, các chế tài xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Là cơ quan chủ trì tham mưu, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm gì để góp phần thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU đạt hiệu quả cao?

- Chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ chính là tập trung chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng thời, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì, phối hợp tham mưu nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ hằng tháng và hằng năm cũng như theo dõi sát sao việc đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trên cơ sở đánh giá chính xác, thực chất phẩm chất, năng lực, trình độ của mỗi người gắn với “thước đo” hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân để đề xuất bố trí sắp xếp, điều chuyển cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy cũng sẽ quan tâm tham mưu xây dựng Đề án tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã; tham mưu bổ sung, sửa đổi các quy định của Thành ủy về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức Đảng, mối quan hệ công tác của cấp ủy Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị...

- Trường hợp cán bộ vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm như thế nào thì Ban sẽ tham mưu điều chuyển công tác theo Chỉ thị, thưa đồng chí?

- Đó là những trường hợp cán bộ, nhất là người đứng đầu để tình trạng công việc chậm, muộn kéo dài, trì trệ; bị dư luận, báo chí phản ánh, cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc theo Chỉ thị nhưng chậm khắc phục...

Chúng tôi tin rằng với sự kiên trì, quyết tâm, quyết liệt vào cuộc đồng bộ của cả thành phố, Chỉ thị số 24-CT/TU sẽ tác động tích cực vào mọi mặt hoạt động của hệ thống chính trị, đem lại giá trị thực chất.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!