Sầu riêng - "trái vàng” xuất khẩu
Với giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước, ngành hàng rau quả trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông, lâm sản của Việt Nam. Đáng chú ý, trong 3,45 tỷ USD, sầu riêng đóng góp gần 1,3 tỷ USD, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu các loại rau quả.
Lập kỷ lục mới
Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu các loại rau quả, chính thức lọt vào “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành Nông nghiệp. Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay của loại trái cây này. Ngành Nông nghiệp dự báo, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng mang về 1,6-1,7 tỷ USD.
Hiện, thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7-2022. Đến nay, đã có hơn 300 mã số vùng trồng sầu riêng, hơn 100 mã số cơ sở đóng gói. Sầu riêng của Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Anh...
Đánh giá về tiềm năng của trái sầu riêng, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên cho rằng, ngoài thị trường chính Trung Quốc, sầu riêng được các thị trường khác ưa chuộng và có lợi thế về xuất khẩu.
Cụ thể, đầu tháng 5-2023, theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, lô hàng sầu riêng Ri6 khoảng 5 tấn của Việt Nam do Công ty TT Meridian Ltd (Anh) nhập khẩu chính ngạch đã thông quan, phân phối đến các siêu thị tại Anh. Lô hàng sầu riêng này được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Với chất lượng vượt trội, sầu riêng Ri6 Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sầu riêng từ các nước khác.
Hiện, sầu riêng Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo UKVFTA, trong khi sầu riêng nhập khẩu từ các nước không có ưu đãi chịu mức thuế 8%. Bên cạnh đó, mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng được ưa chuộng tại Australia. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng vào các thị trường lớn.
Ngoài lợi thế về thị trường thì Việt Nam có sản lượng sầu riêng lớn so với các quốc gia trồng loại trái cây này. Thống kê của Bộ NN&PTNT, hết năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021. Sầu riêng được trồng chính tại các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, vụ sầu riêng ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3, khu vực Tây Nam Bộ vào chính vụ và kéo dài đến tháng 5; từ tháng 4 đến tháng 7, là thời điểm sầu riêng chính vụ ở khu vực miền Đông Nam Bộ; từ tháng 7 đến tháng 10, là chính vụ của khu vực Tây Nguyên; từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây cho thu hoạch.
"Đây là lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Các quốc gia khác chỉ có một mùa sầu riêng nhất định trong năm, còn ở Việt Nam rải vụ, cho thu hoạch cả năm", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Để xuất khẩu bền vững
Dư địa xuất khẩu trái sầu riêng là rất lớn, hiện trái sầu riêng tươi đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có chất lượng ngon hơn so với sầu riêng nhiều nước, do đó, việc xuất khẩu tươi hay cấp đông đều là lợi thế lớn.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt con số 2-2,5 tỷ USD.
Bên cạnh lợi thế thì xuất khẩu sầu riêng còn một số khó khăn, thách thức cần vượt qua. Thái Lan đang chặt bỏ măng cụt để chuyển sang trồng sầu riêng. Campuchia cũng trồng sầu riêng. Đặc biệt, để chủ động nguồn hàng này trong nước, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm trồng sầu riêng.
Trong khi đó, sầu riêng ở Việt Nam đang vượt quy hoạch về diện tích - khoảng 35.000ha. Trong đó, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000ha và tiếp tục được mở rộng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, với diện tích trồng và sản lượng sầu riêng hiện nay của Việt Nam vẫn bảo đảm tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng cần được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt về vấn đề gian lận mã số vùng trồng.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm, yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm, Bộ đã điều tra nguyên nhân để áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
“Để xuất khẩu bền vững, không riêng sầu riêng mà tất cả ngành hàng nông sản, cần tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn về chất lượng, mã số vùng trồng và quy định từ các thị trường nhập khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm soát việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng; cần có kế hoạch khảo sát thổ nhưỡng vùng trồng phù hợp; không trồng ồ ạt, không chạy theo số lượng. Các vùng trồng cần đạt tiêu chuẩn để cấp mã vùng, xây dựng khu chế biến và gia tăng tỷ lệ sầu riêng chế biến, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhập khẩu nào đó.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang phối hợp Bộ Công Thương, thương vụ tại các nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng; hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…