Giao thông

Phát triển giao thông đô thị Hà Nội:Cần tầm nhìn dài hạn và cách làm đột phá

VIệt Tuấn 08/09/2023 - 15:39

Hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác.

Sáng 8-9, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố tổ chức Hội thảo “Giao thông đô thị thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, các trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tham dự. Các ý kiến tham luận cho thấy, cần có tầm nhìn dài hạn và cách làm đột phá để giải quyết các vấn đề "nóng" của giao thông đô thị hiện nay.

4.jpg
Các đại biểu dự hội thảo.

Quá tải hạ tầng đô thị

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, có quá trình phát triển hàng ngàn năm, tính từ hòa bình lập lại (1954). Đến nay, qua 4 lần điều chỉnh địa giới với biến động về dân số, 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng, trong đó, định hướng về giao thông vận tải, luôn là những thách thức với phát triển, với quản lý nói chung và giao thông nói riêng.

2(3).jpg
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Trong thời gian vừa qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3.5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Tuy nhiên, đồng chí Phạm Quí Tiên cũng cho rằng, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế… Vì thế, đồng chí mong muốn, các đại biểu trao đổi, thảo luận những giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng công tác quản lý, công tác giám sát lĩnh vực này trong thời gian tới.

3(2).jpg
Đại diện Thường trực HĐND quận Thanh Xuân trao đổi, đề xuất một số giải pháp về giao thông đô thị.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác.

Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội còn được thể hiện qua các con số như: Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch số 519 là từ 20 - 26%), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011-2020 là khoảng 2,48%/năm.

1(3).jpg
Đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp trao đổi tại hội thảo.

Quy hoạch phải có tầm nhìn

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đã trao đổi, phân tích làm rõ về công tác quy hoạch, quản lý chất lượng, đồng bộ hạ tầng; công tác phát triển giao thông đô thị, bài toán giảm thiểu tai nạn, đề án hạn chế phương tiện, giảm ùn tắc giao thông; công tác quản lý chất lượng công trình, đầu tư phát triển giao thông tĩnh, điều hành, đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng, tổ chức giao thông tại các bến xe ô tô, bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhà ga, các tuyến đường bộ; phát triển vận tải hành khách công cộng; quản lý bến xe, điểm đỗ xe taxi, điểm đón, trả khách theo quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải hành khách; công tác thanh tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đô thị.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Đức Nghĩa, để phát triển giao thông đô thị, Hà Nội cần có dự báo quy hoạch giao thông sát thực tế hơn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng mở rộng giao thông cần tích cực hơn nữa, cùng với có cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng bảo đảm đích hài hòa.

Còn theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, giao thông đô thị ở Hà Nội luôn “nóng” và giải pháp cần xác định tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến việc ùn tắc hiện nay. Việc cấp bách Hà Nội cần cụ thể hóa chủ trương phát triển hạ tầng đồng bộ. Muốn quản lý giao thông tốt, thì phải song hành với quản lý phát triển dân số đồng bộ, vào đầu mối, tránh mỗi ngành đưa ra một con số dự báo. Trước mắt, Hà Nội cũng nên thống kê cụ thể việc người dân tiếp cận phương tiện công cộng; nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng.

duc.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức trao đổi tại hội thảo.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, vì thế thành phố cần sớm hoàn thành các đường vành đai đang triển khai nhưng chậm. HĐND thành phố cần giám sát các đường vành đai, phát hiện vướng mắc, đề xuất chính sách tháo gỡ, để sớm hoàn thành.

“Đã đến lúc cần quy hoạch, phân luồng xe du lịch, cần có điểm đỗ cách xa trung tâm, khách đi bộ vào điểm đến, tránh ùn tắc khu vực nội đô và Hà Nội có thể áp dụng ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình...”, đại biểu Nguyễn Minh Đức khuyến nghị.

Đặc biệt, quan tâm đến giao thông công cộng, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, số lượng người dân tham gia xe buýt công cộng ít do các điểm chờ xe buýt chưa hợp lý, vì thế, các sở chuyên ngành cần quan tâm nghiên cứu đến sự thuận tiện của người dân; quy hoạch lại làn đường BRT để linh hoạt sử dụng cho những xe chuyên chở hành khách đông khác; nên quy hoạch và sử dụng điểm đỗ giao thông tĩnh hiệu quả và quản lý giao thông công cộng, điểm đỗ bằng nền tảng số…

Đại diện Thường trực HĐND quận Ba Đình, Thanh Xuân cho rằng, áp lực về phương tiện giao thông trên địa bàn các quận rất lớn, trong khi đó, một số dự án triển khai kéo dài, ảnh hưởng đến tổ chức giao thông, cử tri kiến nghị, đặc biệt là gói thầu thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (đoạn Nguyễn Xiển). Vì thế, các quận kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các gói; ưu tiên nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Vương Thừa Vũ kéo dài. Đồng thời, thành phố chỉ đạo xây dựng các phương án tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có như: Điều chỉnh chu kỳ đèn tại nút giao, xén mở rộng tối đa mặt đường, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút…

Theo đại diện Hiệp hội Cầu đường Việt Nam, Hà Nội có không gian đô thị đặc biệt, thì phải khai thác không gian đô thị này…; giải quyết ùn tắc giao thông thì phải tính đến vùng, khu vực. Trước mắt, Hà Nội cần xem lại việc đặt thời gian chu kỳ các đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao phù hợp, linh động.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị, Hà Nội nên đánh giá lại hiệu quả hệ thống tuyến buýt BRT, hiện khai thác rất lãng phí…

Các đại biểu cũng cho rằng, đầu mối giao thông phải quy hoạch ở vành đai, nhưng đầu mối giao thông hiện nay lại nằm ở nội đô. Vì thế, trong tương lai, Hà Nội cần xác định lõi đô thị ở đâu để quy hoạch đầu mối giao thông, có tầm nhìn xa ở các vành đai. Hiện tại, năng lực lập quy hoạch về giao thông ở Hà Nội còn yếu, nên thành phố cần có kịch bản cho việc phát triển 5 quận mới, để quy hoạch giao thông đầu mối phù hợp.

4.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Sau khi Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Hải tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu nêu, kết luận hội thảo, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân khẳng định, Hội thảo đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với phát triển hệ thống giao thông đô thị Hà Nội thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng, để Ban Đô thị và Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho HĐND, UBND thành phố về các cơ chế chính sách, giải pháp, lộ trình cụ thể để giảm độ “nóng” về áp lực giao thông Thủ đô.