Xã hội

Sáng kiến hữu ích cho cộng đồng

Hiền Chi 08/09/2023 - 07:38

Địa bàn tổ dân phố số 3, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) hiện có 3 chiếc tủ ghi “Điểm gom rác thải tái chế xây dựng quỹ hội”. Đây là sản phẩm do ông Lê Đức Hạnh, đang sinh sống tại tổ dân phố số 3, chế tạo ra để hưởng ứng phong trào thi đua “thu gom rác thải tái chế” do Chi hội Phụ nữ số 3 phát động, góp phần giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường.

tai-che.jpg
Ông Lê Đức Hạnh bên chiếc tủ đựng rác thải tái chế do mình chế tạo. Ảnh: Phong Thu

Chế tạo tủ đựng rác thải tái chế

Chia sẻ về ý tưởng làm chiếc tủ đựng rác thải tái chế, ông Lê Đức Hạnh cho biết: “Vợ tôi là hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 3 rất trăn trở về việc muốn có chỗ đựng phân loại rác thải phân loại, nên tôi đã suy nghĩ cách làm để có thể giúp vợ mình đồng thời hỗ trợ các chị em phụ nữ trong phong trào “Xanh - sạch - đẹp” do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Quỳnh phát động".

Từ thực tế địa bàn nơi gia đình đang sinh sống - Khu dân cư Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp, hầu hết các gia đình đều đã có ý thức đóng một chiếc đinh lên tường rồi treo các túi rác lên đó cho gọn gàng, tuy nhiên vẫn bị một số người thu lượm ve chai rạch túi ra tìm phế liệu khiến rác bẩn rơi tung tóe bẩn nền đường, ông Hạnh lên ý tưởng về một mô hình đựng rác thải tái chế đạt được các tiêu chí dễ nhìn thấy, dễ bỏ rác vào, người lạ không lấy ra được, đồng thời có mái che mưa và có bánh xe giúp dễ dàng di chuyển tủ đựng rác khi cần. Tại chiếc tủ còn có một thùng kính có ghi chữ “Nơi thu thập pin”.

Để mọi người không phải đóng góp kinh phí, ông Hạnh tìm kiếm vật tư (tấm nhôm, tấm tôn, khung thép…) bằng cách đi nhặt ở các điểm xây dựng, xin ở các nhà họ tháo dỡ ra về gò hàn lại. Từng làm ở Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, có chuyên môn kỹ thuật nên ông Hạnh tự tay đóng hoàn tất chiếc tủ đựng rác thải tái chế như ý có chiều dài khoảng 1,2m, chiều rộng khoảng 80cm, vừa chắc chắn vừa có thể di chuyển được, lại có một ổ khóa để mở ra lấy phế liệu.

Chiếc tủ đầu tiên được đặt tại Khu tập thể Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp đã mang lại niềm phấn khởi cho bà con nhân dân vì rác không còn bị vương vãi ra đường, ngõ xóm trở nên sạch, đẹp. Cái được lớn nữa là đã tạo được ý thức của người dân khi thực hiện phân loại rác thải ngay từ trong nhà trước khi bỏ vào tủ đựng rác tái chế của khu dân cư.

Từ thành công của chiếc tủ đựng rác tái chế thứ nhất, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 và bà con nhờ ông Hạnh làm thêm 2 cái, đặt ở địa bàn tổ dân phố. Qua đó, phong trào phân loại, thu gom rác tái chế lan tỏa rộng rãi.

Đặc biệt, việc này đã tạo được nguồn thu cho Chi hội Phụ nữ. Khoảng 2 tuần là tủ phế liệu đầy sẽ được chị em Chi hội Phụ nữ số 3 mang đi bán. Số tiền bán được thông báo công khai trên nhóm Zalo, khích lệ mọi người hăng hái hưởng ứng phong trào. Nguồn tiền thu được dành cho những việc hữu ích như hỗ trợ các hội viên khó khăn, chi cho công tác khuyến học, góp phần tổ chức trung thu cho thiếu nhi…

Bà Vũ Thị Hường, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 3 cho biết: “Nhờ chiếc tủ đựng rác thải tái chế do ông Hạnh làm cho, mỗi tháng Chi hội bán phế liệu được khoảng 300 nghìn đồng. Chị em và nhân dân đều phấn khởi, ai uống lon nước nào xong cũng mang ra bỏ vào thùng thu gom”.

Hết mình vì việc chung

Tiếp xúc với ông Lê Đức Hạnh, mọi người đều chung cảm nhận về sự mộc mạc, chân thành. Nhân dân tín nhiệm bầu ông Hạnh (sinh năm 1954) là Trưởng khu dân cư Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp. Đây là công việc không lương nhưng ông luôn nhiệt tình, tích cực hỗ trợ tổ trưởng dân phố quản lý địa bàn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khu dân cư an toàn, sạch, đẹp.

Năm 2023, sau khi họp với tổ dân phố và trao đổi với bên điện lực, ông đã cùng nhân dân thay mới 250m đường dây điện để bảo đảm an toàn, lắp mới 18 bóng điện. Cũng trên địa bàn khu dân cư, ông còn bố trí 10 đế cắm cờ cố định để treo cờ trong những ngày lễ theo quy định, tạo khung cảnh tươi vui, rực rỡ.

Hiện nay ông Hạnh còn nhận thêm công việc làm thành viên Ban Quản lý tòa nhà 96A Định Công, phụ trách mảng kỹ thuật, ông đã đề xuất ban quản lý là không nên đặt chế độ bơm nước tự động mà nên để chế độ bán tự động, tức là phải có con người xuống vận hành, theo dõi động cơ. Cách làm này mất công, nhưng giúp máy bơm bền hơn, an toàn hơn, tránh sự cố cho cả tòa nhà.

Cũng với tấm lòng muốn giúp đỡ cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, vợ chồng ông Hạnh mỗi năm vài lần thu gom quần áo, sách vở… để cùng nhóm hoạt động thiện nguyện trao tặng cho người dân, học sinh ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An…

Tổ trưởng tổ dân phố số 3 Hà Thế Lương nhận xét: “Ông Lê Đức Hạnh rất nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi công việc, được người dân quý mến. Việc ông có ý tưởng rồi tự thiết kế được tủ đựng rác tái chế, thu hút được cộng đồng cùng chung tay giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan là điều rất đáng quý”.