Tự tin với sản phẩm làng nghề
Huyện Phú Xuyên có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận, phát huy hiệu quả.
Mới đây, Phú Xuyên là một trong những huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 cho 54 sản phẩm, trong đó có 45 sản phẩm được đánh giá mới và 9 sản phẩm được đánh giá lại (do hết thời hạn 36 tháng) đều đủ điều kiện công nhận.
Thêm 45 sản phẩm được đánh giá, phân hạng
May comple Vân Từ, tò he Xuân La, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo lạc Cổ Hoàng… đều là những sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Xuyên được lựa chọn, đầu tư nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để tham dự Chương trình OCOP năm 2023. Đây cũng là các sản phẩm mà Phú Xuyên có thế mạnh về vùng nguyên liệu và tay nghề của lao động địa phương.
Có 4 sản phẩm lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công, mỹ nghệ Phước Uyên (thị trấn Phú Xuyên) Vương Thị Tuyên cho biết, hợp tác xã chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có các sản phẩm chủ lực: Đũa gỗ trắc đỏ khảm trai, đũa gỗ trắc đen khảm ốc, đũa gỗ cắm khảm trai…
Đây cũng là sản phẩm thông dụng tiêu thụ mạnh trên thị trường. Các sản phẩm đều tận dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng các phế phẩm từ đồ gỗ của các làng nghề trên địa bàn, như: Gỗ vụn, mùn cưa, trai ốc, có hợp đồng mua bán rõ ràng. Tham gia vào Chương trình OCOP, hợp tác xã mong muốn sản phẩm được chứng nhận để khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường.
Còn ông Đinh Văn Quỳnh ở làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi vẫn sản xuất và bán sản phẩm một cách bình thường, chưa quan tâm nhiều đến các minh chứng cho sản phẩm, nên giá trị của mặt hàng chưa như mong muốn. Nay, sản phẩm được hỗ trợ hồ sơ minh chứng hoàn thiện, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm, có tên thương hiệu, mẫu mã, bao bì đẹp, thông tin ghi trên bao bì rõ ràng… Từ đây, chúng tôi sẽ sản xuất bài bản hơn và tự tin khi đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường”.
Theo UBND huyện Phú Xuyên, năm 2023, huyện đặt mục tiêu có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tập trung vào các sản phẩm chế biến, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi bật của các xã, thị trấn. Qua kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm mới đây cho thấy, các sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu, đồng nghĩa với việc Phú Xuyên đạt 100% kế hoạch đề ra.
Chọn sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, thực hiện Chương trình OCOP, lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2022, huyện đã có hơn 170 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các sản phẩm đều phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương.
Đặc biệt, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được đánh giá rất cao và tiêu thụ thuận lợi hơn. Năm 2023, công tác đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP của Trung ương và thành phố có thêm các điểm mới. Các chỉ tiêu đánh giá cụ thể hơn, đúng năng lực của người sản xuất, giá trị của các sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, trên cơ sở những nghề có lịch sử lâu đời, có thế mạnh trên thị trường, huyện đã lựa chọn được 6 nhóm nghề ở 7 xã để phát triển thành sản phẩm chủ lực, có thương hiệu đến năm 2025, như: Nặn tò he (xã Phượng Dực); khảm trai sơn mài (xã Chuyên Mỹ); giày da (xã Phú Yên); may comple (xã Vân Từ); đan cỏ tế (xã Phú Túc); mộc (xã Tân Dân, xã Nam Tiến).
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; tiếp tục phát triển sản phẩm và địa điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP ở 7 xã nói trên. Đồng thời, đẩy nhanh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể; triển khai bảo tồn, đào tạo, công nhận làng nghề và nghệ nhân; phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất…
UBND huyện Phú Xuyên cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua công tác phối hợp tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm gắn với văn hóa vùng, miền, hội chợ do thành phố tổ chức. Công bố các quyết định công nhận sản phẩm kết hợp trưng bày, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, nhằm hỗ trợ chủ thể giới thiệu, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường.
Huyện sẽ tập trung phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, giúp các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối truyền thống, sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.