Quy chế hoạt động Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc đã ký Quyết định số 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc quy định tại Quy chế này gồm các địa phương sau: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Nguyên tắc điều phối
Theo Quy chế, nguyên tắc điều phối là phải tuân thủ Hiến pháp, quy định của pháp luật có liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc. Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật.
Hoạt động điều phối thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng điều phối vùng. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, ngành, địa phương trong vùng thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp.
Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.
Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phương thức điều phối
Quy chế quy định cụ thể phương thức điều phối về: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, Quy chế quy định việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: Hệ thống giao thông kết nối; giáo dục và đào tạo; y tế; tài nguyên rừng, tài nguyên nước; bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý đất đai; môi trường, công nghiệp khai thác, chế biến; nông nghiệp hiệu quả cao.
Phối hợp trong quá trình lập các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch và các quy định hiện hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thứ bậc.
Phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch: Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.
Về đào tạo và sử dụng lao động, Quy chế nêu rõ phối hợp trong việc đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực cho các địa phương trong vùng.
Phối hợp trong điều tiết, sử dụng lao động, lao động từ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.
Phối hợp trong việc xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình thiết yếu cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.