Thế giới

Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch: “Bài toán” khó với G20

Thùy Dương 07/09/2023 - 07:35

Một báo cáo do Tổ chức tư vấn năng lượng Ember của Anh vừa công bố cho thấy, khí thải bình quân đầu người do sử dụng điện than ở Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng gần 7% trong giai đoạn 2015-2022.

mot-nha-may-dien-than-cua-a.jpg
Một nhà máy điện than của Ấn Độ.

Rõ ràng, dù những lo ngại về biến đổi khí hậu ngày càng lớn, thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn năng lượng này, với công suất điện than được tạo ra nhiều hơn số nhà máy ngừng hoạt động hằng năm. Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, vẫn là "bài toán" khó đối với các quốc gia phát triển.

Theo Ember, các nước G20 chiếm 80% lượng khí thải từ ngành Điện trên thế giới, với lượng CO2 bình quân đầu người từ điện than trong năm ngoái là 1,6 tấn, tăng so với mức 1,5 tấn ghi nhận năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 1,1 tấn trung bình toàn cầu. Khi G20 chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần này tại Ấn Độ, có tới 7 thành viên của nhóm là Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi và Mỹ vẫn chưa vạch ra kế hoạch giảm dần việc sử dụng than để tập trung vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Kết quả nghiên cứu của Ember cho thấy, Trung Quốc - nước tiêu thụ than đá và phát thải CO2 lớn nhất thế giới - ghi nhận mức phát thải bình quân đầu người trong năm 2022 là 3,1 tấn, tăng 30% so với mức của năm 2015, dù đã bổ sung thêm 670 GW năng lượng tái tạo trong giai đoạn này.

Ấn Độ cũng chứng kiến lượng khí thải bình quân đầu người từ ngành than tăng 29% trong giai đoạn này, lên 0,8 tấn. Một trong những tác giả thực hiện báo cáo của Ember, chuyên gia Dave Jones cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ thường có tên trong danh sách những nước sản xuất điện than gây ô nhiễm nhất thế giới, nhưng nếu tính đến mật độ dân số thì Hàn Quốc và Australia là những quốc gia gây ô nhiễm nhất trong năm 2022.

Từ năm 2009, các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả “trong trung hạn”. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021, các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý đẩy nhanh những nỗ lực này. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt tăng mạnh do Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng khiến chính phủ nhiều nước phải can thiệp vào chi phí nhiên liệu.

Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng đẩy giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao, khiến than đá trở thành lựa chọn phù hợp ở phần lớn châu Âu, kể cả các thị trường khó tính ở Tây Âu và Bắc Mỹ, vốn có chính sách rõ ràng nhằm loại bỏ than đá. Điển hình như Đức, quốc gia đi đầu trong việc khử carbon, cũng đã chuyển sang tăng cường sử dụng nguồn nhiệt điện từ than. Pháp cũng đã nối lại hoạt động của các nhà máy điện dùng than. Tại Nhật Bản, than được sử dụng cho sản xuất khoảng 30% lượng điện...

Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng ròng về sản lượng điện từ than do số nhà máy mới nhiều hơn số nhà máy bị đóng cửa hằng năm. Nhiều nhà máy mới đã mọc lên ở châu Á, trong đó có Nhật Bản. Các cơ sở mới cũng đã được mở ở Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa số nhà máy mới, đã làm chậm tốc độ ngừng hoạt động của các tổ máy nhiệt điện hiện có... Với tình hình này, thế giới có thể sẽ phải trả giá đắt về biến đổi khí hậu...

Đáp lại xu hướng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, Mattias Soderberg, Trưởng nhóm Khí hậu toàn cầu tại DanChurchAid, một tổ chức phi chính phủ nhân đạo của Đan Mạch, cho biết: “Chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu và nếu tài chính đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch không nhanh chóng được chuyển thành tài chính xanh, sẽ không bao giờ giới hạn được sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ như các chính phủ đã hứa trong Thỏa thuận Paris”.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay sẽ được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 9 và 10-9. Hội nghị thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ đưa ra các quyết định quan trọng xung quanh việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Theo các nhà phân tích, năm 2009, G20 cam kết cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Vào năm 2023, nhóm này cần đẩy mạnh các hành động cụ thể, đặt ra thời hạn và kế hoạch chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Điều này có thể định hình các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu tại COP28, sẽ diễn ra vào tháng 11-2023, và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác nâng cao các cam kết về chống biến đổi khí hậu.