Thế giới

EU xem xét mở rộng kế hoạch mua khí đốt chung

Phương Quỳnh 07/09/2023 - 07:35

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch mua khí đốt chung một cách lâu dài nhằm bảo đảm nhu cầu của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Đề xuất trên được đưa ra sau khi nhu cầu sử dụng khí đốt trên thực tế của EU vượt quá con số ước tính.

he-thong-duong-ong-khi-dot-.jpg
Hệ thống đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin (Đức).

Chính sách mua chung được triển khai từ tháng 5-2022 và được coi là một biện pháp giúp EU đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Chính sách này sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đề xuất kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU. Theo kế hoạch, các công ty châu Âu tham gia mua chung trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh tình trạng cạnh tranh giữa các nước EU khi nguồn cung khan hiếm.

Dù tỷ lệ dự trữ khí đốt của EU tại các cơ sở lưu trữ tự nhiên đã đạt hơn 90% và giá mặt hàng này đã giảm đáng kể, song EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dưới biển Baltic hồi năm ngoái.

Đại diện các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ thảo luận đề xuất trên vào cuối tháng này, đặt mục tiêu hoàn thành khung pháp lý vào cuối năm nay. EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga.