Nông nghiệp

Nguy hại từ gian lận mã số vùng trồng

Ngọc Quỳnh 07/09/2023 - 07:20

Thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng nông dân chưa chú trọng tới sản xuất an toàn, gian lận, buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

co-quan-chuc-nang-can-tang-.jpg
Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng.

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý và sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, tạo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ uy tín nông sản của nước ta.

Có thể mất thị trường vì vi phạm

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép để xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mã số vùng trồng được cấp mới, thời gian qua có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi, chủ yếu là các mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là đã xuất hiện tình trạng gian lận mã số vùng trồng để xuất khẩu. Nếu vi phạm này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường.

Tại hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho hay, hiện tỉnh Tiền Giang đã cấp 271 mã số vùng trồng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng “mượn” mã số vùng trồng của người khác để xuất khẩu, gây khó khăn cho các ngành chức năng của tỉnh trong việc giám sát số lượng cũng như chất lượng, dẫn tới nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Không chỉ gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng, nông dân cũng như các hợp tác xã chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng vùng trồng theo hướng an toàn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thành phố Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả, với diện tích hơn 300ha. Song, một số hợp tác xã và người dân vẫn chưa chú trọng đến các quy trình sản xuất an toàn để phòng, chống sinh vật gây hại, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua, nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi và cảnh báo về chất lượng do việc quản lý mã số vùng trồng hiện nay bị buông lỏng, bị một số doanh nghiệp lợi dụng, làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, hiện chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ quy định về xuất khẩu cũng như gian lận trong việc sử dụng mã số, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra và xử lý vi phạm. Mặt khác, các vùng trồng đã được cấp mã số chưa thực hiện đầy đủ việc cập nhật nhật ký điện tử, dẫn đến các vùng trồng này có nguy cơ bị thu hồi mã số…

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam, các ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Phùng Thị Thu Hương, bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các địa phương về xây dựng vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Về việc này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho hay, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Mặt khác, Bộ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, giám sát những mã số đã được cấp; thẩm định, kiểm tra hồ sơ đầu vào của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.

“Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Tư pháp để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định các chế tài xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này…”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.