Sử dụng túi ni lông, đồ nhựa an toàn
Vì tiện lợi, chi phí thấp, dễ sử dụng, sản phẩm túi ni lông, hộp nhựa… đang bị lạm dụng với số lượng lớn, gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe người dùng. Bên cạnh khuyến cáo hạn chế tiêu thụ túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần, các nhà khoa học lưu ý người tiêu dùng cần sử dụng các sản phẩm này đúng cách để bảo vệ sức khỏe.
Thói quen chưa dễ thay đổi
Mỗi sáng ra chợ, bà Nguyễn Thị Hằng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) vẫn thường đi tay không, sau đó trở về với nhiều túi ni lông đựng rau, quả, thịt, cá… Những chiếc túi ni lông nhiều màu sắc này chỉ được dùng một lần rồi vứt bỏ.
Sử dụng túi ni lông dùng một lần hiện vẫn là thói quen của hầu hết các bà nội trợ. Với tính chất mỏng, nhẹ, tiện lợi, giá rẻ, dễ dùng, túi ni lông hay các loại hộp nhựa được người tiêu dùng sử dụng hằng ngày trong hoạt động mua sắm. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, túi ni lông, hộp nhựa không chỉ dùng đựng hàng hóa, thực phẩm khô mà còn được dùng chứa cả thực phẩm tươi sống như thịt cá đã mổ sẵn hoặc sơ chế, đồ ăn nấu chín và rất nhiều trường hợp dùng đựng đồ ăn, thực phẩm nóng.
Chị Nguyễn Thị Quyên (kinh doanh hàng ăn tại phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) cho biết, có nhiều khách hàng do ngại mang bát hay cặp lồng nên sử dụng túi ni lông để đựng bánh phở, thịt cùng nước dùng nóng mang về. Thực tế, nhiều khách hàng dùng các loại hộp nhựa để đựng cháo, phở nóng mà phớt lờ những tác hại có thể gây ra với sức khỏe.
Còn tại các hệ thống phân phối hiện đại, người tiêu dùng được phát miễn phí túi ni lông và gần như không bị hạn chế số lượng. Số liệu khảo sát do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện vừa qua cho thấy, trung bình các siêu thị được khảo sát sử dụng khoảng 104.000 túi ni lông/ngày, tương đương với 38 triệu túi ni lông/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi ni lông miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi ni lông/ngày.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng. Riêng hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện trên thị trường, sản phẩm túi ni lông, đồ dùng bằng nhựa, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa nguyên sinh, nhựa tái chế. Trong khi sản phẩm làm từ hạt nhựa PP, PVC nguyên sinh bảo đảm an toàn khi sử dụng thì sản phẩm từ nhựa tái chế có thể gây hại cho người dùng. Đáng nói là phần lớn sản phẩm giá rẻ trên thị trường đều được làm từ nhựa tái chế với nguy cơ cao gây nhiễm độc và dẫn tới các căn bệnh nan y nếu sử dụng không đúng cách.
Sử dụng túi ni lông đúng cách
Thực tế vẫn còn nhiều người tiêu dùng quá lạm dụng túi ni lông và đồ nhựa, dẫn tới sử dụng sai cách, thiếu khoa học. Theo đó, có nhiều người dùng túi ni lông không chú trọng tới chất lượng sản phẩm, thích lựa chọn túi có nhiều màu sắc; hay đựng đồ nóng, đồ chứa nhiều axít, dầu, muối trong túi ni lông, hộp nhựa hoặc dùng sai túi ni lông với tủ lạnh, lò vi sóng…
Các chuyên gia lưu ý, trước tiên là khi đựng các loại thực phẩm chín, có nhiệt độ cao, người tiêu dùng nên thay thế túi ni lông bằng các loại hộp thủy tinh, inox, đồ chứa chuyên dụng để có thể bảo quản thức ăn lâu hơn, đồng thời giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh chỉ rõ, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động của nhiệt độ cao. Đựng thực phẩm nóng trong túi ni lông khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn, gây hại cho người dùng.
Tương tự, người dân tuyệt đối không dùng màng bọc thực phẩm ni lông lên bề mặt thức ăn khi hâm nóng trong lò vi sóng. Bởi khi bị quay nóng trong lò vi sóng từ vài trăm tới 500oC, các màng bọc ni lông này bị chảy và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn gây độc hại. Điều này cũng cần lưu ý trong trường hợp chứa các thức ăn có nhiều muối, có tính axít cao, những thực phẩm cay, chua như dưa, cà muối… Khi chứa các loại thực phẩm này, túi ni lông có tính điện ly sẽ nhanh chóng hòa tan các chất độc hại, kim loại nặng, gây hại cho sức khỏe con người.
Thực tế có rất nhiều người giữ thói quen chứa rau, quả, thịt cá trong túi ni lông và bảo quản trong tủ lạnh. Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên bảo quản thực phẩm theo cách này trong tủ lạnh với một khoảng thời gian dài. Nguyên nhân là bởi quá trình này khiến chất nhựa trong túi ni lông có khả năng tan cao hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm chứa nước, muối mặn, axít, chất béo.
Chị Nguyễn Tuyết Nhung (trú ở quận Thanh Xuân) cho hay, dù rất hạn chế dùng túi ni lông nhưng do tính chất tiện lợi nên chị vẫn phải sử dụng sản phẩm này trong giao dịch mua bán. Để bảo đảm an toàn, bí quyết của chị Nhung là từ chối các loại túi có nhiều màu sắc sặc sỡ và lựa chọn loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Đây cũng là khuyến cáo về cách sử dụng túi ni lông an toàn từ các chuyên gia.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, nếu muốn tận dụng túi ni lông, cách tốt nhất là người dân có thể sử dụng để đựng rác, không nên dùng đựng thực phẩm, từ đó tránh được nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn gây hại cho cơ thể, nhất là hệ tiêu hóa. Song, cách tốt nhất là tất cả cùng chung tay hạn chế, giảm dần việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường sống.