Bình ổn mặt hàng thiết yếu
Thời gian gần đây, người chăn nuôi lại như “ngồi trên đống lửa” khi mặt hàng thịt lợn có xu hướng giảm giá.
Theo ghi nhận những ngày đầu tháng 9 này, giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc dao động ở mức 57.000-59.000 đồng/kg, có nơi giảm xuống mức thấp là 55.000 đồng/kg. So với thời điểm giá lợn cao nhất (tháng 7-2023), giá lợn hơi đã giảm khá mạnh, gần 10.000 đồng/kg. Theo tính toán, với giá hiện tại, loại lợn có trọng lượng từ hơn 50kg có mức giảm trung bình lên đến 100.000 đồng/con trở lên.
Điều đáng quan tâm là đà giảm giá thịt lợn hơi bắt đầu từ khoảng nửa tháng trước và đến nay chưa có dấu hiệu dừng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng nhập lậu lợn diễn ra ồ ạt là một phần lý do ảnh hưởng đến giá mặt hàng này ở trong nước. Trong khi đó, đang là thời điểm giao mùa nên nhiều chủ trang trại lo ngại xảy ra dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nên đã bán đàn lợn sớm với giá thấp để thu hồi vốn…
Nuôi lợn là hoạt động chủ lực trong ngành chăn nuôi của nước ta. Từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng sản lượng thịt lợn hơi tăng tương đương từ 60% lên gần 64% trong cơ cấu tổng sản lượng thịt hơi của cả nước, cao hơn 20% so với trung bình thế giới (41% vào năm 2022). Đáng chú ý, mức tiêu thụ thịt lợn xẻ của người Việt bình quân năm 2022 là 32kg/người, cao hơn 2kg so với năm 2021.
Nói vậy để thấy, thịt lợn luôn là thực phẩm thiết yếu trong bữa cơm mỗi gia đình người Việt. Do đó, việc bảo đảm nguồn cung cũng như bình ổn giá mặt hàng này luôn là yêu cầu quan trọng góp phần ổn định thị trường lương thực, thực phẩm nói chung. Vấn đề càng trở nên cấp bách khi từ nay đến cuối năm, nhu cầu thịt lợn dự báo sẽ tăng cao.
Để bình ổn cả về nguồn cung cũng như giá của mặt hàng thiết yếu này, vấn đề quan trọng hiện nay là ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần bảo đảm các điều kiện phát triển ngành chăn nuôi lợn ổn định, bền vững; trong đó, chú trọng duy trì đàn lợn thương phẩm, đàn lợn giống và khả năng cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…
Cùng với đó, cơ quan thú y cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Lưu ý, cần tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, các bệnh mới nổi, có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta trên đàn lợn và các đàn vật nuôi khác.
Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng, mở rộng vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; kiểm soát tốt thị trường và thường xuyên dự báo cung - cầu mặt hàng thịt lợn để cung cấp cho người chăn nuôi cũng như các thương nhân.
Một giải pháp quan trọng khác cần thực hiện hiệu quả là các địa phương trên tuyến biên giới phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu lợn. Đồng thời, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn qua biên giới.
Dự báo từ nay tới cuối năm, giá thịt lợn hơi có thể sẽ khởi sắc hơn, khi nhu cầu thực phẩm tăng trở lại trong bối cảnh ngành Du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục và phục vụ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, hiện giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm. Đây là những điều kiện tốt cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy vậy, người chăn nuôi lợn cần căn cứ nhu cầu thị trường và khuyến cáo của cơ quan chức năng để duy trì, mở rộng hoặc tái đàn...