Đời sống

"Tăng tốc" phòng, chống HIV/AIDS

Minh Vũ 06/09/2023 - 07:01

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đồng thời giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song thời gian không còn nhiều nên các cơ quan chức năng đã bổ sung một số giải pháp quyết liệt hơn.

hiv.jpg
Tư vấn điều trị cho người có HIV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm.

Những kết quả tích cực

Giải pháp xuyên suốt được các cơ quan chức năng thực hiện là tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, tập trung vào nhóm người có nguy cơ cao (người nghiện chích ma túy, người hoạt động mại dâm…). Cùng với đó, những trường hợp trẻ tuổi đang là học sinh bậc trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, công nhân, người lao động… cũng thường xuyên được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS.

Em Nguyễn Hoàng Việt, sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Tham gia nhiều buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chúng em biết cách bảo vệ bản thân, tuyệt đối không sử dụng ma túy, không quan hệ tình dục thiếu an toàn…”.

Giải pháp quan trọng khác được triển khai là khám, tư vấn cho những người có nguy cơ cao, điều trị cho những người có HIV. Hiện tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là với nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ (người mắc bệnh lao, con của người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV…). Nhờ đó, người dân, bệnh nhân có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Chẳng hạn, tại quận Nam Từ Liêm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, trung tâm đã tư vấn, điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân, trong đó hơn 94% người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị.

Cùng đó, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến đời sống của người có HIV. Hà Nội là số ít địa phương chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trẻ em có HIV mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Ngôi nhà chung dành cho trẻ em có HIV là Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) thường có 50-70 trẻ đến từ nhiều địa phương. Tại đây, trẻ em được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, hòa nhập cộng đồng.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, số người mới nhiễm HIV có xu hướng giảm. Đến nay, số người có HIV còn sống trên địa bàn thành phố khoảng gần 20.000 người. Đa số người có HIV được quản lý và biết tình trạng bệnh tật của bản thân để chủ động có giải pháp giảm nguy cơ lây truyền cho cộng đồng.

Tăng tốc để hiện thực hóa mục tiêu

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội được các bộ, ngành chức năng trong nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, số người mới nhiễm HIV ở Hà Nội có tuổi đời còn trẻ, thường dưới 30 tuổi. Đối tượng mới nhiễm là nam giới nhiều hơn nữ giới. Đáng chú ý, hơn 99% xã, phường, thị trấn ở tất cả các quận, huyện, thị xã đã phát hiện người có HIV. Nếu không kiểm soát tốt, Hà Nội vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Trong khi đó, thời gian để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 không còn nhiều nên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng tốc hơn, triển khai những giải pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn.

Thấy rõ những việc cần làm, ngoài những giải pháp đã triển khai, từ giữa năm 2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND về bảo đảm tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố. Ước tính, việc triển khai Kế hoạch số 199/KH-UBND giúp các bên huy động kinh phí đạt khoảng hơn 1.500 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030. UBND thành phố cũng xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cụ thể theo từng năm, làm căn cứ cho các sở, ngành, địa phương có cách thức triển khai hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với đặc thù dân cư.

Năm 2023, UBND thành phố yêu cầu các bên liên quan tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Thông qua những giải pháp này, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu, 90% số người có HIV biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế…

Ở cấp cơ sở, các quận, huyện, thị xã cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2023 đến nay, các bên liên quan phối hợp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp 70% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ, tạo thuận lợi để 100% người nhiễm HIV/AIDS được chuyển gửi điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).

Với phụ nữ mang thai có HIV, họ được điều trị thuốc ARV, còn trẻ sinh ra từ người mẹ có HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ. Tương tự, huyện Chương Mỹ có phương án hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể…

Thông qua nhiều giải pháp cụ thể, việc làm thiết thực, hy vọng tác động của dịch HIV/AIDS đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng sẽ giảm dần.