“Tiếp sức” cho công nghiệp hỗ trợ vươn tầm thế giới
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không thiếu đơn hàng nếu đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này và vươn tầm quốc tế, doanh nghiệp cần tăng cường nội lực, đồng thời cần được tiếp sức bởi chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Nhà nước.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình xung quanh vấn đề này.
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, hoạt động của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện ra sao, thưa bà?
- Sự suy giảm của thị trường thế giới tác động mạnh khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bị giảm đơn hàng ở mức từ 10% đến 40%. Điều này không chỉ do kinh tế toàn cầu đi xuống mà còn bởi năm ngoái đơn hàng tăng cao nên hiện các doanh nghiệp vẫn tồn kho lớn. Tuy nhiên có nhiều thị trường mới đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp với số khách hàng tìm đến nhà cung cấp Việt Nam tăng lên. Vì thế, những công ty có hệ thống quản trị đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu khách hàng cùng giá cả cạnh tranh vẫn có thêm khách hàng và đơn hàng mới với doanh thu tăng lên.
- Giá thành cao là câu chuyện “đau đầu” lâu nay của ngành. Theo bà, yếu tố nào đang tác động tới giá thành?
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện chủ yếu cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, các nước ASEAN, Ấn Độ. Các nước này có công nghiệp chế tạo mạnh, sản lượng sản xuất lớn nên giá thành rẻ hơn; nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã hết khấu hao máy móc... Về phía Việt Nam, hạn chế lớn là không chủ động về nguyên, vật liệu; doanh nghiệp hầu hết còn trẻ nên chi phí khấu hao rất lớn. Hơn nữa hệ thống quản trị sản xuất của doanh nghiệp lại chưa tối ưu nên chi phí cao hơn so với những doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm. Và cuối cùng là những yếu tố bên ngoài liên quan đến thuế hay những chi phí không chính thức, việc miễn phí xúc tiến thương mại, giảm lãi vay ngân hàng… Nếu lãi suất vay ngân hàng được bù khoảng từ 4% đến 5%, tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt.
- Thiếu liên kết khiến nhiều ngành chưa thể vươn tầm thế giới. Với ngành công nghiệp hỗ trợ thì sao, thưa bà?
- Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nỗ lực để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng gặp khó do năng lực không đủ và không đồng đều. Các doanh nghiệp ký kết những đơn hàng lớn, đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng quốc tế là do theo đuổi việc xây dựng hệ thống quản trị mạnh rất quyết liệt, đầu tư chi phí trong nhiều năm.
Hiệp hội đã hình thành nhóm doanh nghiệp triển khai dự án làm các cụm linh kiện hoàn chỉnh nhưng vẫn thiếu nhiều linh kiện khác trong hệ sinh thái để có thể hoàn thành sản phẩm linh kiện đó với giá thành đáp ứng được yêu cầu. Hiện nhiều phần linh kiện phải nhập từ bên ngoài khiến chi phí cao và phải phụ thuộc.
- Để doanh nghiệp hỗ trợ tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, vươn tầm thế giới, hiệp hội có đề xuất, kiến nghị gì?
- Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ để cắt giảm được chi phí sản xuất. Điều này chắc chắn giúp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nâng tầm. Muốn cắt giảm được chi phí sản xuất thì đầu tiên là phải bù lãi suất vay ngân hàng, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị, vật tư, hệ thống quản trị hay các tiêu chuẩn quốc tế. Dù Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã giảm lãi suất thì đây vẫn là mức cao vì biên lợi nhuận của ngành sản xuất chế tạo rất thấp, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ.
Mặt khác, chúng ta cần giảm các chi phí khác liên quan tới doanh nghiệp như về môi trường, thuế, cùng nhiều loại chi phí… giúp doanh nghiệp có động lực để đầu tư và cải thiện chất lượng. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ cần nâng cao tính hiệu quả và cần được đánh giá hằng năm để thay đổi phù hợp. Cần có những chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và hạn chế thủ tục hành chính.
- Trân trọng cảm ơn bà!