Khắc phục khó khăn để dọn sạch “rác trời”
Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị.
Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” cũng xác định ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng. Trước nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh sau thời gian thực hiện, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để những “mạng nhện”, “rác trời” còn giăng tại nhiều tuyến phố.
Nâng cao mỹ quan đô thị
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2008 trở lại đây, thành phố Hà Nội chú trọng xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung để lắp đặt, hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, viễn thông. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các sở, ngành triển khai 29 dự án chỉnh trang các tuyến phố, trong đó hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi. Nhờ đó, cảnh quan đô thị bước đầu được cải thiện.
Tiếp đó, tháng 8-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5800/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là hạ ngầm, thanh thải, bó gọn và sắp xếp các đường dây đi nổi trên những tuyến phố chính từ đường Vành đai 3 trở vào trung tâm trong giai đoạn từ năm 2017-2020. 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai của thành phố, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới... tiếp tục được hạ ngầm.
Hiện tại, 362 đường, phố trên địa bàn 12 quận triển khai hạ ngầm, sắp xếp đường dây theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành hạ ngầm đường dây tại các tuyến phố. Trong số 362 tuyến phố, thành phố đã hoàn thành hạ ngầm đồng bộ tại 210 tuyến phố và kết hợp chỉnh trang đô thị, góp phần bảo đảm an toàn và cảnh quan đô thị.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đối với 19 tuyến phố trong khu vực phố cũ, Hồ Gươm và vùng phụ cận, quận đã chủ động đề nghị UBND thành phố cho phép hạ ngầm đường dây kết hợp với cải tạo hè, thoát nước, chỉnh trang tuyến phố bằng nguồn vốn ngân sách quận, hoàn thành trong năm 2017. Với việc dành nguồn lực đầu tư cho cải tạo hạ tầng kỹ thuật, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, góp phần tích cực phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ trên địa bàn.
Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), đến thời điểm hiện tại, tổng công ty đã hoàn thành hạ ngầm đường dây trung, hạ áp tại 180 tuyến phố với hơn 1.100km dây dẫn và khoảng 4.000 tủ điện hạ thế; thu hồi hơn 6.000 cột điện các loại.
Tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc ngầm hóa các tuyến đường dây đã được thành phố Hà Nội đặt ra từ năm 1998. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn bởi ngân sách hạn hẹp. Trước thực tế này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với đồng bộ 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc hạ ngầm đường dây được đánh giá là một trong 5 chỉ tiêu chậm triển khai.
Nhằm khắc phục tồn tại, khó khăn, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành hạ ngầm đồng bộ đường dây đi nổi trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), đồng thời đề xuất giải pháp, nguồn vốn triển khai các tuyến còn lại.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quá trình thực hiện tại 4 quận nội thành gặp khó khăn do mặt bằng chật hẹp, mật độ giao thông lớn, vướng các công trình ngầm nổi... Việc nâng cấp, mở rộng hệ thống cống, bể cũ gặp nhiều khó khăn do đơn vị chủ sở hữu chưa tạo điều kiện cho sử dụng chung. Ngoài ra, giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung hiện nay không còn phù hợp, thấp so với chi phí duy trì, bảo dưỡng nên khó thu hồi vốn đầu tư. Việc xã hội hóa xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là do những quy định về giao đất, thu phí sử dụng đất công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung…
“Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn nêu trên, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dựng công trình ngầm. Hà Nội là thành phố đầu tiên nghiên cứu về quy hoạch không gian ngầm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô thời gian tới, thành phố cần điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng đường dây, cáp hữu tuyến trong đô thị; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.