Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: Gỡ vướng bằng nhiều giải pháp
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản, tạo giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đặc biệt, rất cần cơ chế thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này...
Nhiều mô hình giá trị kinh tế cao
Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt giá trị kinh tế khá, phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, công ty hiện có 3.000m2 đất trồng nấm sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi ngày, công ty sản xuất được 3 tấn nấm các loại, cung cấp cho siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn cả nước, thu hàng tỷ đồng/năm.
Mô hình trồng dưa vàng kim vương 5 sao trong nhà màng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của nông trại Phúc Bách (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông trại ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR và có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Theo ông Nguyễn Phúc Bách, chủ nông trại Phúc Bách, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vốn nhiều nhưng bù lại trong quá trình sản xuất không gặp nhiều rủi ro từ thời tiết, sản phẩm bảo đảm an toàn, giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, hiện toàn thành phố Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn”
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả rất lớn, song quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn. Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Hoài Đức) Bùi Hương Bích cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần kinh phí rất lớn để xây dựng hạ tầng, sản xuất, đào tạo nhân lực... nhưng do việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, hợp tác xã chỉ ứng dụng công nghệ cao tại một số công đoạn nên chuỗi sản xuất chưa đồng bộ.
Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Văn Thuần chia sẻ: Hiện nay, tại một số hợp tác xã, doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở vài khâu như: Tưới tiết kiệm theo công nghệ nhỏ giọt, phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Các khâu khác như thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn thủ công hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố, trong đó các nhóm ngành trồng trọt chiếm 45%, chăn nuôi 80%, nuôi trồng thủy sản 60%; 50% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong ứng dụng công nghệ cao. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu thành phố tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khép kín; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; xây dựng website quảng bá sản phẩm...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh trong nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Thành phố đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể là hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 3 năm theo hợp đồng vay vốn… Đây là cơ hội cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận chính sách khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng những mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp có vai trò "đầu tàu". Trên nền tảng thành công sẽ nhân rộng tới các địa phương nhằm tăng giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế cho nông dân, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp...