Hà Nội học tập kinh nghiệm để phục vụ nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô
Được sự đồng ý của Chính phủ và Thường trực Thành ủy, thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 19-1-2023 của UBND thành phố Hà Nội, Đoàn công tác liên ngành thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 20-8 đến 30-8-2023 nhằm mục đích nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phục vụ đề xuất chính sách, lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tham gia đoàn có đại diện các bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và một số sở, ngành của thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, ngày 22-8, đoàn đã thăm và làm việc tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thành phố Bắc Kinh (Nhân Đại Bắc Kinh). Phó Chủ tịch Nhân Đại Bắc Kinh Hầu Quân Thư chủ trì tiếp và bày tỏ vui mừng được chào đón đoàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên đã thông tin với phía bạn về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, giới thiệu về Luật Thủ đô và công tác nghiên cứu sửa đổi Luật nhằm giúp Hà Nội phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hướng tới phát triển nhanh và bền vững; nhấn mạnh mục tiêu và tầm quan trọng của việc khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm và mô hình chính sách tại thủ đô các nước, trong đó có Bắc Kinh.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Nhân Đại Bắc Kinh Hầu Quân Thư đã thông tin, trao đổi với đoàn về cơ cấu hành chính, chính sách phát triển trên các lĩnh vực của thành phố Bắc Kinh. Nhân Đại Bắc Kinh hiện cũng đang trong quá trình khởi thảo xây dựng Luật Thủ đô Bắc Kinh, do vậy phía bạn rất hoan nghênh và nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm của đoàn, xem đây là cơ hội để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng Luật Thủ đô.
Hai bên đã cùng thảo luận chuyên đề, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Tổ chức bộ máy của chính quyền các cấp tại đơn vị hành chính trực thuộc thành phố; công tác quy hoạch chung xây dựng thành phố; chính sách xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách khối lượng lớn; kinh nghiệm triển khai và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh; việc bảo tồn và khai thác du lịch các công trình, di tích văn hóa, lịch sử…
Kết thúc cuộc làm việc, lãnh đạo hai bên đều nhất trí cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong lĩnh vực lập pháp cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác, đặc biệt trong năm tới nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và kết nghĩa giữa Hà Nội và Bắc Kinh, trên cơ sở phát huy hiệu quả thực chất Biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết.
Tại Bắc Kinh, đoàn công tác có chuyến khảo sát thực tế tại Cung Quy hoạch thành phố Bắc Kinh, tìm hiểu về tình hình quy hoạch và xây dựng thành phố Bắc Kinh; thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Đông Thăng - Trung Quan Thôn để nghiên cứu về chính sách ưu đãi, định hướng huy động nguồn lực phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cao của Bắc Kinh.
* Tiếp nối chương trình công tác, tại Nhật Bản, đoàn đã có các cuộc gặp và làm việc với Phó Chủ tịch Hội đồng Tokyo Hirotaka Motohashi; làm việc, trao đổi về chính sách địa phương với các cơ quan chuyên môn của chính quyền đô thị Tokyo.
Tại cuộc làm việc ngày 25-8, đại diện các cơ quan chính quyền đô thị Tokyo đã trao đổi, giới thiệu với đoàn thông tin các nội dung: Tổ chức chính quyền và hệ thống tự trị tại địa phương của Nhật Bản; quy định hiện hành về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương (bao gồm Hiến pháp Nhật Bản, Luật tự trị địa phương...); kinh nghiệm tổ chức bộ máy hành chính và cách thức điều hành, hoạt động; việc phân chia vai trò và phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương; các cơ chế và chính sách phát triển trên các lĩnh vực của chính quyền đô thị Tokyo.
Phía bạn đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và mong muốn nội dung trao đổi tại cuộc tọa đàm sẽ góp phần phục vụ tốt cho mục đích nghiên cứu của đoàn lần này, đồng thời là cơ hội tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa thành phố Hà Nội và Tokyo.
Đại diện đoàn công tác, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, với định hướng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đã góp phần tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của Tokyo thời gian qua và xác định đây là những bài học kinh nghiệm thiết thực, quý báu cho Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật, xây dựng những đặc thù riêng cho Thủ đô.
Nhật Bản cũng được biết đến là một quốc gia thành công trong việc phát triển gắn kết giữa các khu đô thị và giao thông công cộng theo mô hình TOD, đặc biệt tại vùng đô thị lớn như Tokyo.
Để học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn phát triển mô hình này tại Tokyo, Đoàn công tác thành phố Hà Nội đã có cuộc làm việc và thảo luận chuyên đề với Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) và Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản (URA) về nội dung này cũng như các chính sách quy hoạch và phát triển đô thị thông minh tại Nhật Bản.
Đoàn cũng đi thăm và khảo sát thực tế tại Trung tâm Đào tạo của Công ty Tokyo Metro để khảo sát quy trình vận hành và hoạt động của hệ thống đường sắt công cộng tại Nhật Bản.
* Kết thúc hoạt động tại Nhật Bản, đoàn công tác tiếp tục triển khai chương trình làm việc tại Hàn Quốc theo kế hoạch.
Ngày 29-8, đoàn đã thăm và làm việc với Hội đồng thành phố Seoul. Chủ tịch Hội đồng thành phố Seoul Kim Hyeonki hoan nghênh chuyến thăm và dành cho đoàn sự tiếp đón trọng thể, thân tình và cho rằng, trên cơ sở mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, chuyến thăm của đoàn lần này không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả, mở rộng hợp tác cấp địa phương giữa hai nước mà còn củng cố và tăng cường các hoạt động trao đổi giữa hai Hội đồng, đẩy mạnh hợp tác về tư pháp, xây dựng luật và cơ chế chính sách.
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng thành phố Seoul cũng đề xuất việc nghiên cứu, xem xét ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chính thức giữa Hội đồng Seoul và Hà Nội thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn.
Tại cuộc làm việc với chính quyền đô thị Seoul, Phó Thị trưởng Seoul Cheon Won Kang chủ trì đón và thông tin với đoàn cụ thể hơn các nội dung về vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị Seoul trên cơ sở quy định của luật hiện hành Hàn Quốc (Đạo luật Tự trị địa phương, Đạo luật Chính quyền đô thị Seoul…).
Để giúp đoàn có cái nhìn sâu hơn về thực tiễn triển khai các chính sách cụ thể, chính quyền thành phố Seoul đã bố trí các chương trình khảo sát thực tế cho đoàn thăm và làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Seoul để tìm hiểu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới; thăm Trung tâm thành phố thông minh Seoul, tìm hiểu chiến lược thiết lập cơ sở hạ tầng thông minh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức tọa đàm trao đổi, lấy ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tọa đàm nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến sôi nổi, xoay quanh một số nội dung trọng tâm, đặc thù về: Cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô, cơ chế thu hút đầu tư xã hội, thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó có nguồn lực quan trọng từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình làm việc tại Hàn Quốc đã khép lại chuyến công tác của đoàn liên ngành thành phố Hà Nội, đạt được mục tiêu đề ra và thu được những kết quả tích cực. Việc trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách của chính quyền Thủ đô các nước đã góp phần đem lại cái nhìn thực tế, sâu sắc hơn cho đoàn trong việc xem xét đưa ra các khuyến nghị sửa đổi Luật Thủ đô hướng tới hiệu lực, hiệu quả.