Ấn Độ gia tăng sử dụng than để ứng phó tình trạng thiếu điện
Ngày 4-9, Reuters cho biết, khô hạn bất thường dẫn tới thiếu hụt sản lượng thủy điện đang buộc Ấn Độ bù đắp bằng cách gia tăng công suất các nhà máy nhiệt điện.
Theo đó, năm 2023 chứng kiến nhu cầu sử dụng điện của người dân Ấn Độ tăng đột biến trong tháng 8, dù đây là giai đoạn thường chứng kiến nền nhiệt quốc gia Nam Á giảm nhờ gió mùa.
Thông thường, nhu cầu điện của Ấn Độ chạm đỉnh vào tháng 5, khi người dân nước này sử dụng điều hòa để chống lại cái nóng, trong khi các ngành công nghiệp đều hoạt động “hết ga” do không bị mưa. Tiêu thụ năng lượng cao hơn cũng đến từ việc nông dân Ấn Độ cần điện để tưới cho các cánh đồng do không đủ mưa, và nhu cầu làm mát tăng do tiết trời nóng hơn bình thường.
Hệ quả là, nhu cầu điện cao điểm của Ấn Độ - công suất tối đa cần thiết vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày - đã tăng lên mức kỷ lục 243,9 gigawatt (GW) vào ngày 31-8-2023 vừa qua, cao hơn mức khả dụng tới 7,3 GW.
Để đáp ứng nhu cầu, bất chấp tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ, sản lượng điện của Ấn Độ đã gia tăng kỷ lục tới hơn 162,7 kWh. Trong đó, nhiệt điện than chiếm tới 66,7%. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất trong vòng 6 năm qua tại Ấn Độ. Lượng mưa thấp khiến sản lượng thủy điện chỉ chiếm 14,8% tổng sản lượng điện quốc gia, thay vì 18,1% như cùng kỳ năm 2022.
Một chi tiết đáng chú ý là dù nhu cầu sản xuất gia tăng, các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu than tới 24%, xuống chỉ còn 17,85 triệu tấn trong bốn tháng đầu năm tài chính 2024 (bắt đầu từ tháng 3-2023), nhờ sản lượng trong nước cải thiện. Đây cũng chính là lý do giá than nhiệt toàn cầu giảm trong những tháng gần đây.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm, tỷ lệ than sử dụng trong sản xuất điện của Ấn Độ đang ở mức 74,2%, cao hơn so với mức 72,9% hồi năm ngoái, và đang trên đà tăng năm thứ ba liên tiếp. Cùng kỳ, tỷ trọng điện từ các nhà máy thủy điện giảm từ 10,9% xuống còn 9,2%.
Ấn Độ hiện đang theo đuổi mục tiêu gia tăng công suất điện từ các nguồn phi hóa thạch – cụ thể là năng lượng mặt trời và gió, năng lượng hạt nhân và thủy điện, năng lượng sinh học - lên ngưỡng 500 GW vào năm 2030.